Liên kết du lịch - hướng đi mới trong phát triển du lịch Nghệ An
Cập nhật: 16/10/2013
Du lịch với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển du lịch không chỉ nằm trong một vùng, một tỉnh mà vượt ra khỏi phạm vi hành chính của một địa phương, một quốc gia, một khu vực. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương là xu thế chung tất yếu trong thời đại hiện nay.
Liên kết du lịch cho phép khai thác những lợi thế tương đối của nhau về tài nguyên du lịch, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn đối với các bên liên quan, từ đó có thể thu hút được các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương. Với mục đích đó, thời gian qua các doanh nghiệp, công ty lữ hành, khách sạn, các địa phương trong tỉnh Nghệ An có điểm đến như Cửa Lò, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, TP. Vinh, Diễn Châu… và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ đang tích cực xúc tiến, triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch. Một trong những hướng đi mà ngành Du lịch Nghệ An đang hướng tới đó là liên kết trong xây dựng sản phẩm và liên kết để quảng bá sản phẩm tạo sức hấp dẫn cho các điểm đến.

Với lợi thế du lịch nghỉ dưỡng tắm biển, du lịch văn hóa tâm linh, thời gian qua, thị xã Cửa Lò đã liên kết với các địa phương khác trong tỉnh, trong khu vực xây dựng 14 tour, tuyến phục vụ nhu cầu của du khách được đánh giá cao như: Cửa Lò - Đảo Ngư, Cửa Lò - Vinh - Khu di tích Kim Liên, Cửa Lò - Vinh - Cửa khẩu Cầu Treo - Lạc Xao (Lào), Cửa Lò - Vinh – Phuket (Thái Lan)… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn thị xã cũng đã linh hoạt trong việc kết nối với hệ thống trung chuyển của sân bay, bến xe khách, nhà ga… Hiện trên địa bàn thị xã có 8 công ty tham gia vận chuyển phục vụ thường xuyên, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách, tiêu biểu như: Công ty Du lịch Văn Minh, Công ty TNHH Phúc Lợi, Công Ty TNHH Tài Em... Ngoài ra, một số hộ đã đầu tư mua sắm các phương tiện nhằm đa dạng hóa và tạo việc làm ổn định cho lao động, hạn chế tối đa các hiện tượng đeo bám, chèo kéo khách, đảm bảo văn minh đô thị.

Ông Võ Văn Thọ - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Du lịch thị xã Cửa Lò cho rằng: Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch và phục vụ du khách một cách tốt nhất, vấn đề liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp, các công ty lữ hành, các nhà kinh doanh… với nhau nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách có vai trò hết sức quan trọng. Bởi du lịch là ngành đặc thù, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nếu không có sự liên kết chặt chẽ thì sẽ kìm hãm sự phát triển của du lịch. Với Cửa Lò, để phát triển dài lâu, chúng tôi đã và đang cố gắng nối dài cánh tay liên kết không chỉ trong tỉnh Nghệ An mà còn ra cả các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ như Sầm Sơn - Thanh Hóa, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Thuận An - Huế, Nhật Lệ - Quảng Bình… và một số tỉnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan bằng đường bộ qua cửa khẩu Cầu Treo, Thanh Thủy.

Để khai thác tiềm năng đa dạng, phong phú cả biển và rừng, đưa đến cho du khách những sản phẩm du lịch độc đáo, các công ty lữ hành đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt kịp thời nhu cầu du khách, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp như vận tải, các khách sạn, nhà nghỉ và các điểm đến như Khu di tích Kim Liên, biển Cửa Lò, Cửa Hội, Bãi Lữ, Quảng trường Hồ Chí Minh, Vườn quốc gia Pù Mát… đem đến cho du khách những tour du lịch hấp dẫn trong tỉnh.

Ngoài ra, các đơn vị lữ hành còn liên kết để xây dựng các tuyến du lịch vùng Bắc Trung bộ và quốc tế như “Hành trình kinh đô Việt cổ’’, “Con đường di sản miền Trung’’, hay “Một ngày ăn cơm ba nước - Ba cố đô một điểm đến”, “Ba quốc gia một điểm đến”… nhằm gắn kết những điểm du lịch, những di sản thiên nhiên, văn hóa của dải đất miền Trung với các điểm du lịch khác trong cả nước và với các cố đô của Lào, Thái Lan.

Bà Lê Thị Hồng Nhung – Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Văn Hồng có trụ sở tại xóm Kim Mỹ - xã Nghi Ân - Thành phố Vinh cho biết: “Để đứng vững trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các công ty lữ hành cần phải có những chiến lược trong khai thác các tour, tuyến, trong xây dựng điểm đến cho chính những sản phẩm du lịch mà mình trực tiếp giới thiệu với khách hàng. Và để làm được như thế, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa công ty lữ hành với chính những địa phương có tiềm năng du lịch.

Ví như muốn đưa khách đến Khu di tích Kim Liên, hay bãi biển Cửa Lò, Quảng trường Hồ Chí Minh... trước đó các công ty lữ hành đã phải liên hệ với Ban quản lý nơi mình cần đưa khách đến để thống nhất việc bố trí, sắp xếp các thủ tục cần thiết một cách nhanh gọn, khoa học, tránh tình trạng đến đột xuất gây phiền phức cho khách hàng và cho chính điểm du lịch. Ngoài ra, các công ty lữ hành thường xuyên liên hệ với các điểm đến trong tỉnh, trong khu vực Bắc Trung bộ, kể cả các nước trong khu vực để nắm tình hình, mở rộng sản phẩm và đa dạng hóa, cập nhật các sản phẩm du lịch một cách nhanh nhất, có như vậy mới chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của công ty, đồng thời cập nhật nhanh các tour, tuyến du lịch để giới thiệu với khách hàng”.

Xác định liên kết vùng, miền, khu vực để cùng phát triển, thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị như liên kết phát triển sản phẩm du lịch, liên kết xây dựng thương hiệu du lịch, liên kết “Một di sản, hai danh nhân, một điểm đến”… trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch. Chính nhờ sự liên kết này, lượng khách du lịch đến Nghệ An nói riêng, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ nói chung ngày càng tăng. Tuy nhiên, vần chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của tỉnh ta, của cả khu vực. Thực tế, các tỉnh trong khu vực chưa thật sự chú trọng trong việc liên kết xây dựng sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng. Những mô hình du lịch như “Hành trình kinh đô Việt cổ’’, hay ‘’Con đường di sản miền Trung’’, hoặc “Một ngày ăn cơm ba nước – Ba Cố đô một điểm đến’’; “Ba quốc gia một điểm đến”… chưa được quảng bá rộng rãi, hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Nghệ An cho rằng: Để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, ngoài phát huy nội lực, vấn đề liên kết vùng, miền, khu vực cần được triển khai bài bản, chặt chẽ hơn từ chính các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch. Cụ thể, đó là liên kết trong quản lý Nhà nước về du lịch; liên kết trong xúc tiến, quảng bá điểm đến; liên kết trong thiết kế sản phẩm, trong tổ chức phục vụ khách; liên kết mở đường bay trực tiếp từ Lào vào Bắc miền Trung (có thể là Vinh). Nếu chúng ta làm được như thế, chắc chắn các sản phẩm du lịch xứ Nghệ nói riêng, của các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung sẽ đến được với du khách rộng rãi hơn, phong phú hơn.
Báo Nghệ An