Phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cần sự chung sức của cộng đồng
Cập nhật: 17/10/2013
Không chỉ có ăn uống và lưu trú, tham gia cung ứng dịch vụ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách du lịch từ khi đến cho đến lúc đi còn có các ngành nghề khác như giao thông, thương mại, ngân hàng, viễn thông, y tế... Vì vậy, ý thức làm du lịch của cộng đồng là hết sức quan trọng, góp phần thu hút khách du lịch đến địa phương.

Du khách sử dụng dịch vụ massage thư giãn tại khu du lịch Sài Gòn-Bình Châu

Sản phẩm du lịch là chuỗi dịch vụ liên hoàn cung ứng cho du khách từ khi họ đến cho đến khi rời đi bao gồm: vận chuyển, lưu trú, ăn uống, mua sắm, các hoạt động mang tính trải nghiệm, cảm nhận con người, vùng đất… Tham gia cung ứng cho chuỗi dịch vụ trên không chỉ có ngành du lịch mà còn cần sự tham gia của nhiều ngành nghề, tổ chức xã hội khác như: giao thông, vận tải, thương mại, ngân hàng, hội phụ nữ, cộng đồng dân cư… Nói cách khác, hoạt động phát triển du lịch có thể thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội tham gia. Trong đó, cộng đồng xã hội đặc biệt quan trọng vì họ là những người tham gia trực tiếp vào quá trình đón tiếp, giới thiệu, chào bán sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng. Do đó, cung cách, thái độ phục vụ của họ có vai trò quyết định trong việc làm tăng hay giảm lượng khách du lịch đến địa phương những lần sau.

Theo nhận xét của nhiều đơn vị lữ hành, vài năm gần đây, Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đã rất nỗ lực tạo môi trường văn minh và chăm chút sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo sự đa dạng thu hút khách du lịch đến địa phương. Không thể phủ nhận những nỗ lực ấy đã mang lại kết quả khả quan: Hạ tầng dịch vụ đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực chuyên nghiệp; ý thức kinh doanh trọng chữ tín bắt đầu bám rễ trong đại bộ phận người tham gia cung ứng chuỗi dịch vụ cho du lịch…

Theo TS. Nguyễn Văn Lưu, Hàm Vụ trưởng Vụ đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lợi ích thiết thực đối với người dân ở vùng, điểm du lịch là có nguồn thu trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách. Tiếp đến là cơ hội đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, còn những lợi ích thiết thực khác như giao lưu văn hoá và nâng cao ý thức xã hội về bảo tồn văn hoá, bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên. Đây là những điều kiện then chốt cho phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, để cộng đồng cùng chung sức vào hoạt động phát triển du lịch cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên chính mảnh đất mà họ sinh sống. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm cho quy hoạch đi vào cuộc sống mà còn để cộng đồng hiểu được những gì đang triển khai sẽ giúp bản thân họ có cơ hội làm giàu và tiến gần hơn với cuộc sống văn minh, hiện đại với điều kiện họ phải có trách nhiệm bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, môi trường tự nhiên và xã hội.

 

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu