Vân Đồn - khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt trong tương lai
Cập nhật: 21/10/2013
Là một trong những huyện đảo lớn nhất cả nước, năm 2006, Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển Khu Kinh tế Vân Đồn. Sớm nhận diện những tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh cao của vùng đất này, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án “Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn”. Có thể thấy, một vận hội mới đang mở ra đối với Vân Đồn.
Tiềm năng đặc biệt

Nhắc đến Vân Đồn là nói đến sự khác biệt mà không vùng kinh tế ven biển nào trong cả nước có được, sự ưu ái của thiên nhiên đã mang đến cho vùng đất này một lợi thế đặc biệt về phát triển du lịch biển, đảo cao cấp. Vân Đồn có một đặc thù mà ở những nơi khác không có, đó là đan xen giữa những dãy núi đá là các đảo đất. Đây là địa hình có biển, có rừng… rất thuận lợi để Vân Đồn phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao. Cả 5 xã đảo của Vân Đồn đều đã có cầu cảng và các tuyến đường giao thông liên xã. Cầu cảng Cái Rồng ở trung tâm của huyện đảo lúc nào cũng tấp nập. Đây là nơi trung chuyển của tất cả các chuyến giao thông biển phục vụ cho việc đi lại của người dân và khách du lịch. Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu cao tốc, tàu gỗ vào ra, rất thuận tiện cho việc di chuyển đến các xã đảo trong huyện. Từ đây, chỉ mất khoảng 45 phút với tàu cao tốc, du khách đã có mặt ở những bãi biển cát trắng hoang sơ và những rừng phi lao bốn mùa xanh mướt nhìn ra biển để đón gió đại dương trong lành của các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu. Đây là những bãi biển nổi tiếng, đã trở thành thương hiệu và ghi dấu ấn trong lòng du khách mỗi khi đặt chân đến huyện đảo Vân Đồn. Với diện tích mặt nước biển gần 160.000ha, tiếp giáp với các ngư trường lớn, có hệ thống bến cảng và lực lượng phương tiện, lao động chuyên môn có nhiều kinh nghiệm, ngành thuỷ sản thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn Vân Đồn. Các nhà khoa học đánh giá đây là nơi có nguồn hải sản phong phú cả về số lượng và chủng loại. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2013, sản lượng khai thác thuỷ sản của địa phương đạt tới 15.000 tấn với các loại tôm, cá, cua, ghẹ, trai ngọc, sá sùng, bào ngư, ốc bể...



Khu kinh tế động lực trong tương lai

Là một huyện, đảo có nhiều lợi thế về giao thông đường biển, hàng không và đường bộ; đặc biệt, Vân Đồn là điểm giao thoa của hành lang kinh tế Việt - Trung, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Đây có thể nói là những lợi thế vượt trội và khác biệt của huyện đảo này. Không chỉ vậy, Vân Đồn còn được thiên nhiêu ưu đãi với nguồn hải sản phong phú cả về số lượng và chủng loại. Nguồn lợi từ biển này là nguồn thu lớn và tạo cơ sở cho Vân Đồn phát triển thế mạnh kinh tế biển với nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Thêm vào đó, chạy dọc suốt bờ biển các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu là những bãi cát trắng dài tới hàng chục kilômet. Đây là nguồn nguyên liệu làm thuỷ tinh cung cấp cho hầu hết các nhà máy sản xuất kính ở miền Bắc nước ta do Công ty CP Viglacera Vân Hải khai thác. Những lợi thế về vị trí và nguồn lợi tự nhiên đó đã tạo bước đệm cho Vân Đồn có những chuyển biến đáng kể trong vài năm trở lại đây, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phát triển thành Khu Kinh tế Vân Đồn, nơi đây đã không ngừng được đầu tư nâng cấp cả về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng với những dự án “tạo nền” quy mô lớn.

Đặc biệt, mới đây, Đề án “Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn” đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị. Tháng 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến làm việc, thị sát huyện đảo Vân Đồn để nắm bắt và chỉ đạo hướng phát triển tối ưu cho đề án quan trọng này. Tổng Bí thư kỳ vọng Đề án xây dựng “Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn” sẽ là hướng đi hiệu quả, thành công để đưa Vân Đồn trở thành một khu vực kinh tế hiện đại của vùng Nam sông Hồng và là cửa ngõ giao thương quốc tế.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có chuyến thị sát tại Khu Kinh tế Vân Đồn. Tại đây, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ xem xét các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm xây dựng “Khu Hành chính - Kinh tế Vân Đồn” trình Trung ương và Quốc hội quyết định. Để sẵn sàng cho một “Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt”, hàng loạt các dự án tạo nền đã đem đến cho Vân Đồn những chuyển biến mạnh trong thời gian gần đây. Đề án đã quy hoạch cụ thể 4 ngành kinh tế mũi nhọn và 9 phân khu chức năng. Đây là những tiền đề quan trọng để cụ thể hoá, tạo nền tảng cho sự phát triển tới đây của Khu kinh tế. Hiện, Ban quản lý Khu Kinh tế đã và đang triển khai được một số dự án động lực mở đường cho các phân khu chức năng và các nhà đầu tư vào Khu Kinh tế như: Dự án khu sân bay Vân Đồn đã hoàn thiện về cơ bản hạng mục giải phóng mặt bằng; dự án khu đô thị Cái Rồng, đã san lấp mặt bằng và đang thi công tuyến đường vào; dự án Khu tái định cư, đã hoàn thiện cơ bản 80% hạ tầng nhà ở… Trên địa bàn của Khu Kinh tế hiện đã có 79 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 9.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, với dự án sân bay Vân Đồn, hiện nay Tập đoàn CCC của Canada đã có phản biện về phương án đầu tư khu sân bay bằng hình thức BOT (hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao). Cùng với dự án xây dựng sân bay Vân Đồn, dự án khu công viên phức hợp phía đông đảo Cái Bầu sẽ là hai dự án động lực cho một vùng kinh tế lấy kinh tế du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao làm chủ đạo. Khi hai dự án động lực này vận hành nó sẽ tạo động lực cho các dự án khác ở Khu Kinh tế phát triển.

Với những động thái tích cực nêu trên, chắc chắn huyện Vân Đồn sẽ sớm phát huy những ưu thế riêng sẵn có để phát triển bền vững.

 

Báo Quảng Ninh