Quảng Nam gắn phát triển kinh tế làng nghề với du lịch
Cập nhật: 31/10/2013
Nhiều giải pháp gắn phát triển làng nghề với hoạt động du lịch được đề cập tại Hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế làng nghề gắn với phát triển du lịch” do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Bộ VHTTDL) và Ngân hàng NNPTNT tổ chức ngày 29/10.

Các đại biểu tham dự hội thảo chú trọng tới việc tìm giải pháp về cơ chế để hỗ trợ lãi suất vốn vay, thị trường đầu ra của sản phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các hộ sản xuất thuộc làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng từ nguồn vốn tín dụng của Agribank, cũng như cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất từ UBND tỉnh Quảng Nam.


Ở Quảng Nam, dù số lượng các làng nghề truyền thống khá nhiều và đa dạng, song chỉ một số làng nghề phát triển được do khai thác tốt để phục vụ du lịch (chủ yếu ở các địa phương như Hội An và Duy Xuyên).

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã thử nghiệm thành công sự gắn kết giữa phát triển làng nghề và du lịch cùng với sự tham gia của cộng đồng theo hướng gắn lợi ích và trách nhiệm của người dân với quá trình phát triển du lịch bền vững.

Chỉ tính riêng tại 7 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển du lịch hoạt động tại Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang, tổng doanh thu của các cơ sở này năm 2012 đạt 170 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu của hoạt động các làng nghề truyền thống toàn tỉnh.

Nhiều đại biểu đã đề nghị Quảng Nam tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành theo hướng có trọng điểm; cần lồng ghép các chương trình phát triển gắn với du lịch làng nghề như chương trình nông thôn mới, chương trình hỗ trợ hạ tầng du lịch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia về du lịch, chương trình mục tiêu văn hóa, chương trình khuyến công, khuyến nông, các đề án lớn của Chính phủ...

Trong các chương trình trên, theo nhiều đại biểu, Quảng Nam phải tạo thế chủ động cho cơ sở, cho làng nghề tiếp cận các nguồn lực đầu tư, nguồn vốn vay ưu đãi, cơ hội tiếp cận mô hình quản lý tốt, kinh nghiệm hay, xu hướng mới.

Đặc biệt, các đại biểu cũng đề nghị Quảng Nam định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức lễ hội làng nghề truyền thống với nhiều hoạt động triển lãm, biểu diễn nghề, thi tay nghề, đồng thời quan tâm bảo vệ sản phẩm của các làng nghề, phát triển thương hiệu gắn với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong công tác quản lý Nhà nước cần có cơ chế trách nhiệm trong quản lý liên ngành với các ngành Công Thương, Nông nghiệp, Du lịch, Văn hóa, Môi trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các quy định theo các tiêu chuẩn chuyên ngành...
www.chinhphu.vn