Thanh Hoá đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch
Cập nhật: 31/10/2013
Thanh Hoá nằm ở khu vực phía Bắc miền Trung, có thế mạnh về phát triển du lịch. Với những tiềm năng thiên nhiên phong phú, lợi thế về giao thông kết hợp với cơ chế, chính sách nhiều ưu đãi, hệ thống các khu du lịch ven biển, hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư, góp phần biến tiềm năng thành hiện thực.

Thanh Hoá là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với các sản phẩm du lịch vật thể và phi vật thể. Với 1.535 di tích, danh thắng, trong đó có 140 di tích được xếp hạng Quốc gia. Đặc biệt, năm 2011, di tích Thành nhà Hồ được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Tỉnh Thanh Hoá cũng là nơi được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh và những bãi cát trắng, mịn với độ dốc vừa phải, nước biển xanh trong, rất phù hợp với nhiều loại hình du lịch như nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven biển… Đặc biệt, bãi biển Sầm Sơn đã được khai thác, xây dựng thành khu du lịch nổi tiếng cách đây hơn 100 năm.

Đa dạng hoá loại hình du lịch

Với nhận thức du lịch là một ngành công nghiệp không khói, thời gian qua, địa phương đã coi phát triển du lịch là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ biết khai thác tiềm năng nên ngành du lịch của địa phương đã có những bước phát triển to lớn. Đánh giá về sự phát triển du lịch của địa phương, đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, trong giai đoạn 2006 - 2012, toàn tỉnh đã đón hơn 17,5 triệu lượt khách, với tốc độ tăng trưởng bình quân 29%/năm. Lượng khách du lịch năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Riêng năm 2012, Thanh Hoá đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách.

Với chiều dài bờ biển 102km, có nhiều bãi biển đẹp, để tiếp tục phát triển du lịch biển, biến tiềm năng thành hiện thực, hiện Thanh Hoá đang mời gọi đầu tư phát triển 9 khu du lịch ven biển hấp dẫn, như Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá); Khu du lịch sinh thái Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn); Khu du lịch Tiên Trang (huyện Quảng Xương); Khu du lịch Đảo Mê (Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia)… Tại thị xã Sầm Sơn, ngoài bãi biển đẹp, còn có địa danh nổi tiếng là dãy núi Trường Lệ với nhiều sắc thái văn hóa kết hợp các truyền thuyết tâm linh như hòn Trống Mái, Đền thờ thần Độc Cước, Đền Cô Tiên. Đây cũng là nơi được Bác Hồ nghỉ chân và kéo lưới với ngư dân bãi ngang khi về thăm Thanh Hoá. Núi Trường Lệ có diện tích 230 ha, với vẻ đẹp của thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, nhiều phong cảnh hùng vĩ, được coi là hòn ngọc của thị xã Sầm Sơn.

Điểm đáng chú ý, Khu du lịch sinh thái Quảng Cư với diện tích 408 ha, có vị trí địa lý liền sông, liền biển ở phía Bắc thị xã Sầm Sơn được coi là điểm nhấn trong phát triển du lịch sinh thái. Với địa hình tự nhiên tuyệt đẹp, nhiều hồ nước, xung quanh là rừng phi lao, sẽ được Thanh Hoá phát triển thành khu du lịch sinh thái với các chức năng là khu resort 20ha, tổ hợp vui chơi giải trí 20ha, các tổ hợp dịch vụ thương mại khách sạn, khu du lịch văn hóa cộng đồng,… Nơi đây là một trong những trọng tâm kêu gọi đầu tư của địa phương để phát triển lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực Bắc miền Trung. Ngoài Khu du lịch sinh thái Quảng Cư, khu vực đường Hồ Xuân Hương nằm trong thị xã Sầm Sơn với diện tích 170ha, lâu nay được coi là điểm nhấn của du lịch tắm biển tại Sầm Sơn. Trong khu vực này, điểm quan tâm nhất của các nhà đầu tư chính là Trung tâm Hội nghị Quốc tế gắn với Quảng trường Biển, phố đi bộ nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.

Biến tiềm năng thành hiện thực

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi, mục tiêu mà ngành Du lịch Thanh Hoá hướng tới là phát triển du lịch Thanh Hoá trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Đây là một trong những động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, phấn đấu để Thanh Hoá trở thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia năm 2015 và trong tương lai.

Để thực hiện mục tiêu trên, hiện Thanh Hoá đang triển khai các giải pháp, đó là: Phát triển mạnh du lịch biển với sản phẩm chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh và văn hóa sinh thái cộng đồng. Chuẩn bị chu đáo để tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia - Thanh Hoá 2015.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, tập trung giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự giác bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch. Xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, mến khách không chỉ đối với những người trực tiếp làm du lịch mà còn đối với cả cộng đồng dân cư.

Xây dựng các chính sách ưu đãi, quan tâm để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Thanh Hoá. Coi đây là yếu tố quan trọng để biến du lịch Thanh Hoá không chỉ ở dạng tiềm năng mà sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước trong giai đoạn sắp tới.

 

ĐCSVN