Lào Cai đẩy mạnh liên kết cung đường Tây Bắc
Cập nhật: 13/11/2013
Sở hữu trung tâm du lịch có sức hút lớn như Sa Pa là cơ hội vàng để Lào Cai tăng cường liên kết với các điểm du lịch trên cung đường Tây Bắc. Đây là xu thế tất yếu, đồng thời cũng là nội dung được tỉnh chú trọng nhằm phát triển ngành “công nghiệp không khói” Lào Cai theo hướng bền vững.

Đẩy mạnh liên kết

Thực tế những năm qua đã chứng minh liên kết là xu thế tất yếu nếu muốn hình thành những trung tâm du lịch lớn trong cả nước. Nó cho phép khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch như cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch, nguồn lực con người… tạo ra những sản phẩm du lịch liên vùng độc đáo, có sức hút.

Chính sách liên kết phát triển du lịch, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được tỉnh Lào Cai chú trọng từ nhiều năm trước. Từ năm 2006, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng tuyến du lịch về cội nguồn. Ngay sau đó, Lào Cai cũng thực hiện thành công nhiều chương trình quảng bá liên kết điểm đến như tour du lịch Sa Pa - Điện Biên - Mai Châu; quảng bá vùng Tây Bắc mở rộng tại Côn Minh và Luang Prabang (Lào); xúc tiến phát triển các tuyến du lịch liên vùng Tây Bắc mở rộng; xúc tiến phát triển liên kết tuyến Luang Prabang với các tỉnh Tây Bắc, Lào Cai, Côn Minh.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng: Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình đã xây dựng, liên kết tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc. Trong chuỗi móc xích này, Lào Cai với trung tâm du lịch Sa Pa có vai trò trung chuyển quan trọng.  Từ Sa Pa, đã hình thành các tuyến sang Hà Giang, về Lai Châu, Yên Bái qua quốc lộ 32 hoặc xuống Quỳnh Nhai về Sơn La. Các tuyến du lịch này ngày càng thu hút nhiều du khách nước ngoài.

Mới đây nhất, chương trình liên kết du lịch song phương giữa Lào Cai - Lai Châu đã được ký kết sẽ thu hút sự đầu tư có trọng điểm vào 2 tuyến du lịch: Tuyến thành phố Lào Cai - huyện Bát Xát (Lào Cai) - huyện Phong Thổ - thị xã Lai Châu (tỉnh Lai Châu). Tuyến huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) - thị xã Lai Châu – huyện Sìn Hồ - hồ thủy điện Lai Châu và các điểm du lịch như: Núi Nhìu Cồ San (xã Sảng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ); lòng hồ thủy điện Lai Châu; quần thể hang động Pu Sam Cáp (xã Nậm Lò, thị xã Lai Châu); chợ văn hóa Sìn Hồ (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ) của tỉnh Lai Châu... Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ kết nối thành công những tuyến, điểm mới, tạo ra sản phẩm du lịch đột phá hấp dẫn du khách.

Lượng khách đến du lịch cung đường Tây Bắc tăng nhanh, một số tỉnh có lượng khách tăng đột biến như Lào Cai, Sơn La và Hà Giang. Riêng Lào Cai, từ đầu năm đến hết 9 tháng, các địa phương và cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón và phục vụ 956.000 lượt khách, đạt trên 95% kế hoạch đề ra trong năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng trưởng này, việc đón vị khách thứ 1 triệu tới Lào Cai vào dịp Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa sắp tới sẽ không còn là xa vời.

Tạo sản phẩm du lịch “riêng”

Theo đánh giá của một số chuyên gia, tuy cùng là cao nguyên, là loại hình du lịch sinh thái núi rừng nhưng các hoạt động du lịch của Sa Pa khác hẳn với Mộc Châu và cũng không giống với cao nguyên đá Đồng Văn. Chỉ riêng Lào Cai mới có lễ hội trên mây, giải leo núi chinh phục đỉnh Phan-xi-păng (Sa Pa), lễ hội đua ngựa (Bắc Hà)... Đây là tiềm năng, thế mạnh để Lào Cai xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù.

Việc tìm kiếm, khai thác các sản phẩm đặc trưng để phục vụ du lịch là vấn đề mà ngành du lịch Lào Cai trăn trở từ lâu. Trong điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2015 vấn đề đưa ra các sản phẩm du lịch đặc trưng được tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng.

Năm 2012, trong chương trình du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Lào Cai đã tổ chức thành công cuộc thi “Thiết kế mẫu hàng lưu niệm và quà tặng du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2012”. Đây chính là thành công bước đầu để Lào Cai củng cố sản phẩm du lịch đặc trưng để tạo dựng hình ảnh du lịch Lào Cai trong lòng du khách.

Cũng trong chương trình này, Lào Cai đã đưa ra lời định vị thương hiệu:“Find yourself in the clouds - tạm dịch: Tìm lại chính mình trong những đám mây”với thông điệp: đến với Sa Pa, Lào Cai, du khách sẽ có dịp trải nghiệm, thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên; khám phá văn hóa độc đáo của các dân tộc; chinh phục chính mình bằng cách tham gia các tour leo núi Phan-xi-păng hoặc nghỉ ngơi, thư giãn tại thị trấn giữa bầu không khí trong lành, mát mẻ và thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc của địa phương.

Về phía các công ty du lịch cũng đã nghiên cứu cuộc sống hàng ngày của người dân, đưa ra những tour du lịch phong phú, hấp dẫn như: “Một ngày làm nông dân người Dao”, “Một ngày làm cô dâu người Mông” nhằm tạo dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng. Một số xã như: Tả Van, Tả Phìn, Nậm Sài đã khai thác vẻ đẹp kiến trúc, nếp sống nhân văn của người dân nơi đây để xây dựng các điểm lưu trú hấp dẫn.

Các sản phẩm lưu niệm đặc thù được đông đảo du khách ưa chuộng như thổ cẩm, đồ chạm khắc bạc, các sản phẩm rèn đúc, thuốc tắm của người Dao đỏ Sa Pa…đã được phát triển thành các làng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao mức sống của nhiều hộ dân địa phương.

Ngoài các hoạt động du lịch đặc sắc, Lào Cai cũng sở hữu nhiều loại đặc sản thơm ngon nổi tiếng như thắng cố Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai; cơm lam Bảo Yên, Văn Bàn; bánh chưng bánh dày Bát Xát, Tả Van... Bên cạnh đó, thành phố Lào Cai với vị trí giáp thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) mang đến lợi thế du lịch biên giới đặc thù so với các tỉnh bạn. Việc tận dụng và phát huy tối đa những thuận lợi của mình trong quá trình liên kết vùng sẽ giúp du lịch trở thành điểm sáng và là ngành kinh tế mũi nhọn của Lào Cai.

Tuy nhiên, du lịch Lào Cai cũng đang phải đối mặt với những khó khăn như: Nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đã bị mai một. Việc bảo vệ các tuyến, điểm du lịch chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, thủ tục hành chính trong hoạt động du lịch còn rườm rà, rào cản về ngôn ngữ khi giao tiếp với du khách nước ngoài…

Đây cũng chính là những vấn đề Lào Cai cần khắc phục trong thời gian sớm nhất, nếu muốn quá trình liên kết được đẩy nhanh và đạt hiệu quả cao, tiến tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 đón 1,5 triệu lượt khách du lịch.

CINET