Năm 2013, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Long có nhiều khởi sắc
Cập nhật: 26/12/2013
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Vĩnh Long năm 2013 đạt nhiều kết quả khởi sắc. Đáng kể nhất là số lượng khách đến tham quan bảo tàng Vĩnh Long và các di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh đạt trên 650.000 lượt, tăng hơn 150.000 lượt so năm 2012.
Tham quan chuyên đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với Biển đảo tại Bảo tàng Vĩnh Long

Công tác trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử văn hóa cũng được ngành chú trọng. Năm 2013, có 7 di tích lịch sử văn hóa được đầu tư kinh phí để trùng tu và đến nay đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 6 di tích, gồm: chùa Gia Kiết, huyện Trà Ôn; di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, bia Nam kỳ khởi nghĩa, huyện Tam Bình; đình Tân Hạnh, huyện Long Hồ; đình Bình Phụng, huyện Vũng Liêm và đình Tân Giai, thành phố Vĩnh Long. Đây là một tín hiệu vui cho ban quản trị, ban bảo vệ các di tích có điều kiện chăm lo, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích trong thời gian tới. 

Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích, trong năm có nhiều đài phát thanh truyền hình của trung ương và địa phương đến Vĩnh Long thực hiện các chương trình, phóng sự và làm phim về di tích. Điển hình, đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình khám phá Việt Nam thông qua di tích Văn Thánh miếu, đài CVTV2 thực hiện bộ phim về lễ hội đình Long Thanh, các đài truyền hình Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh làm phim về di tích Cây Da Cửa Hữu, Nghĩa Trủng miếu, đài phát thanh truyền hình Hậu Giang ghi hình chương trình khám phá miền Tây về dòng họ Châu tại cù lao Dài thuộc huyện Vũng Liêm, di tích thành Vĩnh Long, nhà xưa ở Vĩnh Long. 

Thêm vào đó, nhằm thu hút đông đảo khách tham quan đến với bảo tàng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long thực hiện hoàn thiện nhiều nội dung trưng bày. Phối hợp với các bảo tàng trong khu vực, đặc biệt là các bảo tàng ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày 07 bộ sưu tập, chuyên đề tại bảo tàng Vĩnh Long và trưng bày ở cơ sở nhiều chuyên đề phong phú, đa dạng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Nổi bật là chuyên đề “Từ đại hội đến đại hội”; “Từ cách mạng tháng Tám 1945 thành công đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975” tại nhà truyền thống đảng bộ tỉnh; chuyên đề “Nét văn hóa đặc trưng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long” tại chùa Gò Xoài, huyện Trà Ôn và chuyên đề “Thân thế, sự nghiệp giáo sư - viện sĩ Trần Đại Nghĩa” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông tại huyện Tam Bình. 

Trên lĩnh vực nghiên cứu sưu tầm, ngành đã tổ chức sưu tầm và trao đổi được 284 tư liệu, hiện vật. Trong đó, có 38 hiện vật tiền Đông Dương và tiền ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 1976, 122 hiện vật của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi), 60 hiện vật lịch sử cách mạng và văn hóa dân tộc, 28 tư liệu hiện vật về giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa… 

Hướng tới năm 2014, ngành sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Trong đó, phấn đấu hoàn thành hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và một di tích cấp quốc gia. Tranh thủ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để tiếp tục trùng tu 9 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Tiếp tục phối hợp với các bảo tàng trong khu vực thực hiện 5 đợt trưng bày tại bảo tàng và 4 đợt trưng bày chuyên đề tại cơ sở phục vụ khách tham quan nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ và kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2014. Đồng thời, tổ chức sưu tầm 200 tư liệu, hiện vật theo các chuyên đề và theo địa chỉ đỏ, để bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật tại bảo tàng Vĩnh Long được phong phú hơn.     

Vhttdlkv3