Những phiên chợ ngày xuân độc đáo
Cập nhật: 28/02/2014
(TITC) Chợ là nơi hội tụ nhiều yếu tố văn hóa đậm chất dân gian, không chỉ là nơi lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa, mà còn là bức tranh sinh động phản ánh cuộc sống cũng như tinh thần của người dân từng vùng miền, từng cộng đồng với những tục lệ, những thói quen không thể lẫn với bất cứ nơi nào.

Thông thường, các khu chợ luôn náo nhiệt, đông vui bởi sự “kỳ kèo”, “mặc cả” của kẻ bán người mua. Nhưng ở những phiên chợ đặc biệt chỉ họp một lần mỗi dịp Tết đến xuân về, khi mà trong mỗi con người luôn có sự thôi thúc mãnh liệt tìm về với những giá trị văn hóa cội nguồn, để mua may bán rủi, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, cầu mong một năm mới nhiều tài lộc, đời sống an lạc, ấm no, thì cái sự “kỳ kèo”, “mặc cả” thường ngày hầu như không còn. 

Cứ đến ngày 24 tháng Chạp, mọi người dân trong làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đều tới chợ Đồng để bán, để mua và để chúc mừng nhau khi năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, đặc biệt là để tham gia hội thi thơ và thưởng thức “nếm rượu tường Đền” – một loại rượu đặc sản rất ngon. 

Tại phiên chợ Cưới của người dân tộc thuộc xã Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, du khách sẽ thấy những đôi nam thanh nữ tú tới đây làm quen, tìm hiểu và để trao nhau những giao ước tâm tình. Cũng chính từ phiên chợ độc đáo này mà nhiều đôi lứa đã nên duyên vợ chồng. Chợ được họp vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm. 

Chợ Mục Đồng

Cũng như những phiên chợ thường ngày khác, các mặt hàng được bày bán ở chợ Mục Đồng - xã Yên Thư, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đầy đủ với gà vịt, mũ nón, bánh trái… Nhưng phiên chợ chỉ diễn ra vào ngày 28 tháng Chạp này đặc biệt ở chỗ người bán lẫn người mua đều là trẻ mục đồng. 

Đến với thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vào ngày mùng 1 Tết nguyên đán, du khách sẽ được tham gia phiên chợ Gò. Bên cạnh những mặt hàng bình dị là những sản vật của người dân Tuy Phước, chợ còn có các gian hàng thư pháp, tranh Tâm Nguyên Đường (loại tranh thư pháp nổi tiếng của Bình Định được thể hiện trên nhiều chất liệu như: giấy, gỗ, đá, gốm…). Chợ Gò có tục lệ, ai đến trước bày hàng bán trước, ai tới sau thì nối đuôi nhau bày hàng, không tranh giành như các phiên chợ thường nhặt. Ở phiên chợ này, du khách còn được thưởng thức nghệ thuật hát bài chòi và tuồng của những nghệ nhân huyện Tuy Phước. 

Ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, vào đêm mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết nguyên đán, dân làng sẽ tập trung tại sân đình Bích La để tổ chức họp chợ Đình Bích La. Phiên chợ bao giờ cũng được mở đầu bằng lễ cúng tạ ơn trời đất và các bậc tiên linh, với trọng điểm là lễ cầu thần Kim Quy. Các mặt hàng bày bán tại chợ là những hàng nông sản tinh túy nhất do chính người làng Bích La làm ra. 

Chợ Chuộng

Chợ Âm Dương hay còn gọi là chợ Âm Phủ - phiên chợ có một không hai họp vào đêm mùng 4 đến sáng mùng 5 Tết nguyên đán tại xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, chỉ bày bán các đồ vật tế lễ và những chú gà đen. Với quan niệm người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, nên những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, không dám thắp đèn vì sợ gà cất tiếng gáy làm người âm hoảng sợ, đến khi tan chợ sẽ tổ chức hát quan họ Bắc Ninh. 

Theo lệ, người dân xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa lại chờ đến ngày mùng 6 Tết nguyên đán để tổ chức họp chợ Chuộng. Người đi chợ không chỉ để mua tài cầu lộc, mà còn tham gia lễ hội ném cà chua mong nhận được sự may mắn ngày đầu năm.  Các mặt hàng được bày bán ở chợ là những sản vật nông nghiệp trong vùng như: khoai lang, cà chua, rau quả; các loại bánh được làm từ bột gạo như: bánh cuốn, bánh răng bừa, bánh đa…

Chợ Viềng

Với mong muốn mua may bán rủi, du khách không thể bỏ lỡ chợ Viềng Nam Định diễn ra vào đêm mùng 7 đến sáng mùng 8 Tết nguyên đán. Thật ra Viềng không phải là tên riêng một chợ mà có tới 4,5 khu chợ thuộc hai chợ cùng tên là: hội Viềng Phủ ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Thế là thành chợ Viềng “2 chợ, 1 phiên” cho cả năm. Những mặt hàng được bày bán ở chợ là những nông cụ do chính người dân trong vùng tự làm, nông phẩm được trồng tại vùng, đồ cổ, cây cảnh… 

Mỗi phiên chợ có một nét độc đáo riêng, nhưng đều mang ý nghĩa cầu một năm mới nhiều tài lộc, may mắn, bình an, thịnh vượng. Vì thế mà các phiên chợ xuân luôn thu hút đông đảo du khách đến giao lưu, mua bán.

Khánh Hòa