Đà Nẵng thúc đẩy du lịch MICE
Cập nhật: 31/03/2014
Đầu tư sản phẩm du lịch có chất lượng, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, xây dựng nhiều chương trình MICE hấp dẫn… là những giải pháp cần thiết được đưa ra trong hội thảo “Thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại Đà Nẵng” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức ngày 30/3.
 

Buổi hội thảo này nằm trong khuôn khổ chương trình đón đoàn Famtrip gồm đại diện 20 doanh nghiệp du lịch có uy tín ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát các sản phẩm dịch vụ tại Đà Nẵng, nhằm kết nối các tour, tuyến của loại hình du lịch MICE từ 2 đầu đất nước về thành phố bên sông Hàn.

Địa điểm du lịch MICE lý tưởng

Hiện tại, Đà Nẵng có khoảng 400 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 10 khách sạn, khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng 5 sao chạy dọc ven biển, 9 khách sạn 4 sao và 50 khách sạn 3 sao với nhiều loại phòng hội nghị đủ tiêu chuẩn phục vụ đa dạng các nguồn khách khác nhau như Intercontinental, Furama, Vinpearl Luxury Da Nang, Crowne Plaza, Pullman...  “Cùng với đó, việc đạt nhiều giải thưởng lớn về du lịch và tổ chức nhiều hội nghị quốc tế cao cấp trong thời gian qua đã giúp Đà Nẵng dần trở thành địa điểm du lịch MICE lý tưởng ở khu vực châu Á”, phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chí Cường nói.

Đại diện các công ty chuyên khai thác loại hình du lịch MICE ở 2 đầu đất nước cho biết, những năm trước đây thường tập trung khai thác du lịch MICE ở những thị trường gần; như các công ty lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh thường chọn Nha Trang và Vũng Tàu còn Hà Nội thì chọn các tỉnh lân cận, nhưng xu hướng hiện nay là lựa chọn Đà Nẵng. “Điểm thuận lợi của Đà Nẵng là vị trí rất gần các di sản thế giới ở miền Trung nên có thể kết hợp tham quan, khám phá di sản thế giới trong ngày. Ngoài ra, Đà Nẵng có hệ thống hạ tầng khang trang, đồng bộ và hiện đại với cảng biển, sân bay quốc tế lớn; có núi, sông, biển, rừng để lên các chương trình phong phú phục vụ nhiều nguồn khách MICE khác nhau, cả trong nước và quốc tế”, phó giám đốc công ty Indovina Travel Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết.

Trong 4 ngày khảo sát thị trường du lịch MICE tại Đà Nẵng, đại diện các doanh nghiệp 2 đầu đất nước đều tỏ ra rất hài lòng về hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà tạo hóa đã ưu ái dành tặng cho Đà Nẵng. Tất cả những đặc trưng riêng để thu hút loại hình MICE ngoài hạ tầng hoàn thiện để phục vụ hội thảo thì các dịch vụ kèm theo như nghỉ dưỡng, teambuilding, gala dinner…

Đà Nẵng đều đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, trong đêm cuối cùng lưu lại tại Đà Nẵng, các đại biểu đã có cơ hội xem tuồng ở nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và tỏ ra rất thích thú về loại hình nghệ thuật kén khách này. Chị Nguyễn Thị Thu Nhàn đề xuất: “Từ lâu, Đà Nẵng có nghệ thuật tuồng nhưng chưa quảng bá để công ty lữ hành 2 đầu đất nước khi liên kết tour MICE về Đà Nẵng giới thiệu cho khách hàng. Thiết nghĩ đây là sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của Đà Nẵng, có tiềm năng trong việc khai thác thị trường du lịch MICE, đặc biệt là thị trường MICE quốc tế mà Đà Nẵng cần có chiến lược quảng bá tốt hơn nữa nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho thị trường khách MICE trong thời gian tới”.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Nhiều đại biểu trong buổi hội thảo cho rằng, để khai thác tốt hơn nữa thị trường du lịch MICE tại Đà Nẵng, điều cần thiết là xây dựng được chiến lược hiệu quả nhằm quảng bá tiềm năng loại hình du lịch MICE của Đà Nẵng cũng như tạo ra nhiều sản phẩm riêng biệt dễ chọn lựa cho khách du lịch MICE khi đến tham quan lưu trú. Bà Phan Thị Phương Hồng Hạnh, phó phòng kinh doanh, công ty CP DL Đông Phương, cho rằng: “Đà Nẵng cần phải mở thêm nhiều đường bay trực tiếp thường kỳ đến từ nhiều thị trường MICE quan trọng như Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Úc…, bổ sung các khu nghỉ dưỡng 3-4 sao dọc ven biển để đáp ứng được nhu cầu khác nhau về kinh phí của các đối tượng khách MICE”.

Một hạn chế nữa của du lịch Đà Nẵng trong khai thác loại hình du lịch MICE cần khắc phục là đội ngũ hướng dẫn viên hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách quốc tế. Vì vậy, nhiều công ty chuyên tổ chức sự kiện MICE ở hai đầu đất nước đã thuê hoặc đưa đội ngũ hướng dẫn viên từ nơi khác đến. “Điều này vừa làm tăng chi phí vừa làm giảm độ tin tưởng với các công ty du lịch địa phương. Trong khi đó, nguồn hướng dẫn viên thuê này có thể thạo ngoại ngữ nhưng lại không truyền tải được vẻ đẹp của du lịch Đà Nẵng như hướng dẫn viên địa phương”, chị Hạnh cho biết thêm. Khó khăn nhất trong việc thu hút thị trường du lịch MICE về Đà Nẵng hiện nay vẫn là giá vé máy bay quá cao khiến các doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Nhiều đại biểu cho rằng để khai thác tốt hơn loại hình du lịch MICE thì các công ty lữ hành cần phải có những kịch bản chương trình phù hợp, liên kết với các tỉnh lân cận. Ông Adwin Chong, tổng giám đốc khách sạn Vinpearl Luxury cho biết: “Việc kết nối với Hội An cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch 2 địa phương trong đưa tour MICE ở 2 đầu về miền Trung nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, không làm du khách nhàm chán”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Liên, phó giám đốc khối thị trường trong nước, công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) chia sẻ: “Có nhiều đoàn khách MICE cao cấp sau hội thảo ban ngày, ban đêm lại rất thích thú với chương trình lều trại ở suối Lương, suối Hoa hoặc teambuiding ở bãi biển. Khi chương trình xong, họ lại quay về nghỉ ở các khách sạn 5 sao”. Vì vậy, các đại biểu cho rằng ngoài hạ tầng bảo đảm, Đà Nẵng cần phải có dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm, các sản phẩm du lịch đặc trưng để kích thích chi tiêu của du khách cũng như đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến lý tưởng của du lịch MICE trong tương lai.

Báo Đà Nẵng