Lễ bỏ mả người Ra Glai là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cập nhật: 18/04/2014
Ngày 17/4, tại huyện miền núi Khánh Sơn, Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ công bố và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ bỏ mả của người Ra Glai.


Lễ trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Người Ra Glai là chủ nhân của nhiều loại hình văn hóa có giá trị như: sử thi, thần thoại, truyền thuyết và các hình thức nghi lễ tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, cúng Giàng, lễ bỏ mả...

Đồng bào Ra Glai quan niệm, lễ bỏ mả là thời điểm để cắt đứt mối quan hệ linh hồn giữa người đã khuất với người còn sống. Vì thế, sau khi có người thân qua đời, người nhà vẫn thường xuyên thăm viếng mộ (mả), tiếp tế thức ăn, vật dụng cho người đã khuất, đợi đến khi có điều kiện mới tiến hành lễ bỏ mả, giúp linh hồn người chết được siêu thoát và đi về thế giới bên kia.

Đây là nghi lễ tiêu biểu nhất của người Ra Glai, mang ý nghĩa đưa người quá cố về với tổ tiên, ông bà. Đồng thời đối với cộng đồng, hoạt động này thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Lễ hội này thường được tổ chức vào tháng 3-4 hằng năm, khi mùa màng đã được thu hoạch, với nhiều nghi thức như lễ nhà mồ, lễ giáp mặt tổ tiên, lễ chia của...

Chinhphu.vn