Đẩy mạnh phát triển du lịch tàu biển tại Việt Nam
Cập nhật: 29/05/2014
Du lịch tàu biển là một trong những loại hình có tốc độ tăng trưởng nhanh thời gian qua. Việt Nam có đủ những điều kiện để phát triển và khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch tàu biển của khu vực khi nằm ở vị trí quan trọng của các tuyến giao thông hàng hải và có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, hấp dẫn.
 

Lợi thế cạnh tranh

Việt Nam là một quốc gia ven biển có đường bờ biển kéo dài từ bắc đến nam, sở hữu rất nhiều bãi biển đẹp, hấp dẫn với hơn ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển được quốc tế đánh giá cao như Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô... cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khí hậu nhiệt đới còn là một ưu đãi của thiên nhiên dành tặng cho việc phát triển các hoạt động du lịch tàu biển tại Việt Nam với tiềm năng cung ứng các hoạt động nghỉ dưỡng biển hấp dẫn. Bên cạnh thế mạnh nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông - Nam Á, trên tuyến đường giao thông hàng hải thuận lợi giữa bắc và nam, giữa đông và tây, địa hình nước ta lại dễ tiếp cận với nhiều cảng biển kết nối với các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới. Vì thế, du khách có thể tham gia vào các tuyến hành trình ngắn và dài ngày giữa các địa điểm du lịch trong châu Á với các khu vực khác.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch tàu biển ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Lượng khách vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam (khoảng 3-5%), chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của du lịch nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong ba năm 2009 - 2011, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng khách tàu biển đến Việt Nam giảm đáng kể, chỉ còn khoảng hơn 55.000 lượt khách/năm. Năm 2012 có tăng trưởng trở lại đạt khoảng 290.000 lượt nhưng tiếp tục giảm xuống chưa đầy 200.000 lượt khách vào năm 2013.

Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đã chỉ ra những nguyên nhân: Kết cấu hạ tầng tại nhiều cảng biển của chúng ta còn hạn chế, chưa có nhà ga, bến tàu dành riêng cho khách du lịch. Chất lượng dịch vụ tại cảng biển chưa cao. Sản phẩm du lịch biển nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các dịch vụ bổ trợ để thu hút khách lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn. Năng lực doanh nghiệp du lịch Việt Nam đón khách tàu biển còn nhiều hạn chế, môi trường chung quanh cảng biển còn nhiều bất cập. Thủ tục tại cảng biển đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn còn nhiều tầng nấc, nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về trình độ, kỹ năng... Chính vì vậy, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tàu biển nói riêng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhằm nhanh chóng khắc phục những hạn chế yếu kém, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách quốc tế, tăng hiệu quả từ hoạt động du lịch biển.

Những định hướng chính

Kinh tế biển, trong đó có hoạt động du lịch biển được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những định hướng phát triển quan trọng. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết: "Xác định mục tiêu cũng như lợi thế của đất nước trong việc phát triển kinh tế biển, tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009; trong số sáu nhóm cảng biển, có năm nhóm sẽ có quy hoạch bến cảng dành cho tàu khách quốc tế". Để tận dụng cơ hội thu hút du khách tàu biển trên thế giới, Việt Nam cần phải có những định hướng phát triển cụ thể.

Yếu tố đầu tiên, cũng là yếu tố quan trọng hơn cả, chính là nâng cấp hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ hoạt động du lịch tàu biển. Việt Nam hiện chưa có bến cảng nào dành riêng cho việc tiếp nhận các tàu khách quốc tế vào và rời đón trả hành khách mà chỉ kết hợp dùng chung với bến cảng xếp dỡ hàng hóa. Tàu khách chủ yếu là neo ngoài và dùng tàu nhỏ chuyển tải hành khách vào bờ và ngược lại. Trong khi đó các hãng tàu ngày càng dùng nhiều tàu du lịch biển cỡ lớn để đáp ứng lượng khách tăng nhanh. Nếu các bến cảng không đủ sức tiếp nhận thì việc phát triển du lịch tàu biển rõ ràng sẽ bị trở ngại. Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề xuất những điều chỉnh về quy hoạch cảng biển phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành du lịch tàu biển và dự kiến trong năm 2015 sẽ dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng bến cảng để có thể tiếp nhận được những tàu khách lớn nhất thế giới. Song song với vấn đề mở rộng chất lượng cảng biển, du lịch Việt Nam cần nhanh chóng tạo dựng thị trường nguồn khách tàu biển. Tổ chức Du lịch thế giới đã đưa ra dự báo: Du lịch tàu biển sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong tương lai bởi nguồn khách ngày càng tăng lên rất nhanh.

Vì vậy, du lịch nước ta phải chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến quảng bá đến các thị trường nguồn khách quan trọng, đầu tư khảo sát nghiên cứu thị trường khách tàu biển, xây dựng các website quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam cũng như tích cực tham gia các hội chợ chuyên đề về du lịch tàu biển. Giám đốc Công ty du lịch Tictours Nha Trang Nguyễn Quang Thắng nhận định: "Muốn quảng bá hiệu quả, các đơn vị lữ hành cũng nên nhanh chóng đầu tư khai thác, phát triển nhiều hơn sản phẩm du lịch tàu biển, chú trọng nâng cao chất lượng và tính phong phú. Trong đó, việc kết nối sản phẩm du lịch tàu biển với điểm đến đa dạng để tạo ra các sản phẩm kết hợp văn hóa, ẩm thực, dịch vụ bổ trợ, mua sắm mang đặc trưng thương hiệu Việt Nam là rất quan trọng". Đây được coi là cách thức hiệu quả để nâng cao khả năng thu hút, tăng thời gian lưu trú trên bờ và khả năng chi tiêu của khách.

Với một định hướng phát triển cụ thể, có chiều sâu; du lịch tàu biển của Việt Nam sẽ khẳng định được vị thế của mình là một trong những trung tâm du lịch tàu biển của khu vực ASEAN cũng như châu Á.

Nhân Dân