Thị trường khách sạn vẫn hút các nhà đầu tư
Cập nhật: 11/06/2014
Đó là ý kiến đồng thuận của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Đầu tư và quản lý khách sạn tại Việt Nam – Bài học từ các nước Châu Á” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Thực tế cho thấy, nhu cầu nội địa của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm trở lại đây, trung bình 7% đến 8% mỗi năm. Một trong những điểm tích cực nổi lên nữa là tỷ suất sinh lời đang hấp dẫn hơn trong lĩnh vực đầu tư khách sạn nhờ vào sự cải thiện trong tình hình kinh tế Việt Nam. Những nhà đầu tư chân chính đang dần lộ diện, đặc biệt là các nhà đầu tư quan tâm tìm kiếm những khách sạn chất lượng cao tại các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á.

Trong bối cảnh giá tại các khu vực như Hồng Kông, Singapore và Tokyo đang liên tục tăng, các nhà đầu tư cũng đang bị thúc đẩy đi tìm kiếm các cơ hội đầu tư bên ngoài các khu vực này. Tuy nhiên, chỉ các cơ hội đầu tư tiềm năng với tỷ suất lợi nhuận tốt mà không có quá nhiều rủi ro mới thu hút các nhà đầu tư trong giai đoạn này.

Nhu cầu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng, mặc dù ở mức chậm, trong ba năm qua (19,1% trong năm 2011, 13,9% trong năm 2012 và 11% trong năm 2013). Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2014 đã cho thấy sự hồi phục tích cực với mức tăng hơn 26%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển hướng quan tâm của khách du lịch đến với Việt Nam là do tình hình chính trị bất ổn ở Thái Lan. Khách du lịch quan tâm đến khu vực Đông Nam Á đang hướng đến các nước khác trong khu vực. Năm ngoái, Trung Quốc có lượng khách du lịch đến Việt Nam cao nhất (hơn 25%). Theo đó, các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ cần thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam.

Nhìn chung, tỷ lệ lấp đầy ở các khách sạn Việt Nam đang cải thiện hơn trong ba năm gần đây. Tỷ lệ lấp đầy ở các khách sạn tại TP.HCM và Hà Nội đã tiến gần hơn đến tỷ lệ lấp đầy ở các thành phố lớn khác như Jakarta và Kuala Lumpur. Tuy nhiên, dù nguồn cung tương lai tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ tăng trong ba năm tới (tổng mức tăng khoảng 8%), con số này vẫn thấp hơn mức tăng nguồn cung tương lai tại các thị trường Kuala Lumpur (tăng 20%) và Jakarta (tăng 40%), với giả định rằng tất cả các dự án đề xuất đều đang được xây dựng.

Điểm đến nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đã cho thấy tình hình kinh doanh tương đối tốt trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, những căng thẳng, rủi ro từ thị trường Trung Quốc có thể sẽ gây ra những thách thức trong ngắn hạn.

“Có thể thấy được triển vọng thị trường trong dài hạn. Chất lượng của các khách sạn và cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể trong vài năm trở lại đây. Đây là nguyên nhân và sẽ tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến một thị trường du lịch ổn định và bền vững hơn. Tình hình kinh doanh khách sạn dự kiến sẽ cải thiện trong trung hạn và các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng bị thu hút bởi các cơ hội đầu tư và đang quay lại với Việt Nam", Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành, CBRE Hotels, Châu Á Thái Bình Dương nhận định.

Báo Hà Nội mới