Huế nỗ lực đưa cổ vật triều Nguyễn hồi hương
Cập nhật: 09/07/2014
Chiếc long sàng của vua Thành Thái và chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ của vua Thành Thái) là 2 trong số nhiều cổ vật triều Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài.
 

2 cổ vật này vừa được đưa ra đấu giá tại Bảo tàng Guimet, Pháp. Được sự ủy nhiệm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tham gia đấu giá thành công chiếc xe kéo, còn chiếc giường cũng do một người cháu họ của vua Thành Thái mua lại với mong muốn đưa về lại Huế, Việt Nam.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau phiên đấu giá, chiếc giường của vua Thành Thái đã được bán đi với mức giá 100.000 Euro (chưa kể 24% lệ phí đấu giá), cho ông Tạ Văn Quang, cháu họ của vua Thành Thái, với mục đích chuyển về Việt Nam.

Đối với chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đấu giá thành công cổ vật này với mức giá 45.000 Euro, nếu tính thêm 24% lệ phí đấu giá sẽ là 55.800 Euro. Như vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia đấu giá thành công để mua lại cổ vật quốc gia đang lưu lạc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, sau phiên đấu giá, nỗ lực đưa cổ vật về Huế vẫn còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí chi trả, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mới huy động được tổng cộng 46.000 Euro, vẫn còn thiếu 9.800 Euro, tương đương với 300 triệu đồng.

Trước khó khăn này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa viết thư kêu gọi các nhà hảo tâm, kiều bào ở nước ngoài đóng góp với mong muốn đưa thành công cổ vật này về Huế, Việt Nam. Tính đến ngày 5/7, đã có thêm nhiều cá nhân đóng góp kinh phí để mua lại chiếc xe kéo, với số tiền hơn 100 triệu đồng. Hy vọng với sự ủng hộ tích cực của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, 2 “báu vật” Hoàng cung trên sẽ sớm được hồi hương.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, 2 cổ vật này có giá trị về mỹ thuật, kỹ thuật và văn hóa lịch sử. Chiếc long sàng vua Thành Thái cao 191cm, dài 212cm, rộng 140cm, làm bằng gỗ. Các hoa văn ở các vị trí thành giường, chân giường, khung giường được chạm trổ theo mô-tip cung đình Huế.

Chiếc xe kéo, cao 136cm, dài 230cm, rộng 102cm, làm chủ yếu bằng kim loại và gỗ. Phần gỗ được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài, khảm xà cừ, một loại hình phổ biến ở các vật dụng bằng gỗ trong hoàng cung xưa. Đặc biệt, các loại hoa văn chạm khảm xà cừ cho thấy đây là các hoa văn thuần Việt và phổ biến dưới thời Nguyễn. Chiếc ghế trên xe kéo được bọc nỉ với phong cách kiểu dáng cách Tân cổ điển.

Ngoài ra, trên xe kéo còn ghi các chữ Hán: "Đông Kinh, Hà Nội, Quảng Hưng tạo" nghĩa là hiệu Quảng Hưng ở Hà Nội, Bắc Kỳ chế tạo. Theo hồ sơ đấu giá, đây là chiếc xe kéo do vua Thành Thái tặng cho mẹ mình là bà Từ Minh Hoàng thái hậu để dạo chơi trong vườn ngự uyển.

Ông Phan Thanh Hải cho hay, do quá trình lịch sử nên rất nhiều “báu vật” triều Nguyễn đã lưu lạc tại nước ngoài (có nhiều ở Pháp) mà mỗi lần đấu giá những hiện vật thì Việt Nam đều chậm chân hơn do không đủ kinh phí và không có cơ chế đấu giá linh hoạt đến cùng. Đơn cử, trong phiên bán đấu giá bức tranh Chiều tà (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi diễn ra ngày 24/11/2010, tại Paris, đại diện của Thừa Thiên - Huế không thể đấu giá đến cùng mà chỉ hối tiếc nhìn bức tranh thuộc về sở hữu của người nước ngoài.

Chính vì vậy, theo ông Hải, cần phải có cơ chế tài chính linh hoạt, đủ mạnh trong việc tham gia đấu giá mua các cổ vật tại nước ngoài mới hy vọng đưa các hiện vật giá trị của quốc gia lưu lạc nước ngoài hồi hương.

Chính Phủ