Mô hình phát triển du lịch hiệu quả tại Hội An
Cập nhật: 14/08/2014
TP. Hội An (Quảng Nam) luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách. Phát huy lợi thế này, nhiều năm qua, chính quyền TP. Hội An đã triển khai chủ trương giao cho tư nhân hoặc tập thể quản lý, sử dụng một số di tích để làm du lịch; qua đó, vừa góp phần bảo vệ di tích, đồng thời, tăng thu nhập cho người dân, cũng như có thêm nguồn kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo di tích.

Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa Thông tin TP. Hội An, hiện trong khu vực phố cổ có tổng cộng 23 điểm di tích được tổ chức bán vé tham quan; trong đó, có 9 di tích thuộc sở hữu cá nhân và 14 di tích thuộc sở hữu tập thể, do Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An quản lý. 


Biểu diễn nghệ thuật múa Chăm tại nhà cổ Phùng Hưng (TP Hội An) do chủ di tích này tổ chức.

Điều đáng nói là trong số tất cả 23 điểm di tích này, kể từ khi thực hiện chủ trương giao quản lý gắn với trách nhiệm của các tập thể hoặc cá nhân sử dụng dịch vụ du lịch, đều đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế và bảo tồn, góp phần phát huy tốt giá trị văn hóa của di tích.

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin TP. Hội An cho biết: Từ năm 1995, UBND TP. Hội An đã triển khai chủ trương cho các tập thể (tổ chức) và tư nhân chia sẻ lợi ích từ nguồn thu vé tham quan. Chủ trương này ngay lập tức đã được nhiều hộ dân, các tộc họ, tổ chức hưởng ứng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các di tích này, TP. Hội An cũng đã thống nhất quy định về những điều kiện và các cam kết tổ chức bán vé, tham quan đối với du khách. Trong đó, yêu cầu về điều kiện cơ bản là di tích phải được xếp hạng; quá trình triển khai các dịch vụ du lịch phải đảm bảo về chất lượng dịch vụ, đội ngũ và cơ sở vật chất liên quan… Trên cơ sở các quy định này, sau nhiều lần xét duyệt hồ sơ, hiện có 23 di tích trên địa bàn TP đủ các điều kiện, tiêu chuẩn được phép bán vé và tổ chức tham quan phục vụ du khách. 

Khi bán vé, tùy theo giá trị từng di tích và thời điểm mở cửa tham quan, mà chủ di tích (là tập thể hoặc tư nhân) có thể được trích lại số tiền phần trăm tương ứng cho mỗi lần đón du khách. Theo số liệu báo cáo của Bộ phận Tài vụ - Trung tâm Văn hóa Thông tin TP. Hội An, số tiền trích lại từ các di tích này bình quân dao động khoảng từ 2.600 - 4.300 đồng mỗi vé. Với khoảng khấu trích trở lại này, nhiều chủ di tích đã có thể thu được trên dưới 100 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, tính riêng trong tháng 3/2014, các điểm di tích như: Nhà cổ Phùng Hưng, nhà cổ Tấn Ký, Hội quán Quảng Đông đã thu được số tiền lần lượt là 92 triệu đồng, 128 triệu đồng và 147 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ, góp phần rất lớn vừa tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời qua đó, có thêm nguồn thu để người dân và tổ chức quản lý di tích tiến hành trùng tu, bảo tồn di tích. 

Anh Nguyễn Hùng, nhân viên soát vé tại nhà cổ số 9 Nguyễn Thái Học cho biết: Để thu hút du khách đến tham quan, với sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa thông tin TP và Ban quản lý Di tích Hội An, ngoài việc tu bổ, phát huy đúng chức năng của một căn nhà cổ để giới thiệu, chủ di tích còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Múa Chăm, hát bội, hát tuồng; biểu diễn quy trình làm gốm cổ Thanh Hà, mộc Kim Bồng.... là những ngành nghề thủ công nổi tiếng của Hội An hàng trăm năm qua. Chính cách làm này đã thu hút khá đông du khách đến tìm hiểu. Đặc biệt, từ nguồn thu bán vé được trích lại, chúng tôi có đủ kinh phí để tiếp tục tu bổ, không để di tích xuống cấp. 

Khẳng định về tính đúng hướng của TP. Hội An trong việc thực hiện chủ trương giao cho tư nhân hoặc tập thể quản lý, sử dụng một số di tích, đồng chí Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Chủ trương này được lãnh đạo TP thống nhất chỉ đạo. Đây là chủ trương được rất nhiều người dân ủng hộ. Sắp tới TP sẽ tiếp tục vận động thêm một số điểm di tích thuộc sở hữu tập thể để đưa vào tham quan như: Chùa Ông, Chùa Cầu, Bảo tàng gốm sứ, nhà thờ Nguyễn Tường…

Thiết nghĩ, từ việc làm này của TP. Hội An, các địa phương có nhiều di tích nên nghiên cứu, tham khảo, nhân rộng. Đây không đơn thuần chỉ là sự chia sẻ lợi ích từ du lịch để giúp người dân thay đổi sinh kế, tăng thu nhập mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa tại nơi mình sinh sống ./.

ĐCSVN