Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long gắn với giá trị văn hóa đặc trưng
Cập nhật: 28/08/2014
Sản phẩm du lịch đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gắn với các hoạt động trải nghiệm vùng sông nước và các giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu là đờn ca tài tử.
 

Phát biểu của Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Phạm Trung Lương tại buổi họp góp ý đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long” vừa diễn ra. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia.

Tinh hoa văn hóa, lịch sử của cư dân bản địa gắn với di sản đờn ca tài tử và nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc độc đáo; không gian văn hóa sông nước, đời sống thương hồ trên những khu chợ nổi nổi tiếng đã trở thành những yếu tố nổi trội, tạo nên tính hấp dẫn cho vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch nhưng mới chỉ phát triển nhỏ lẻ chứ chưa có một sản phẩm chung.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn: Để phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long xứng với tiềm năng, lợi thế mang cấp độ vùng; phải có chương trình hành động cụ thể, với lộ trình kế hoạch phù hợp, phân công nhiệm vụ chi tiết các cơ quan trung ương và địa phương, hiệp hội du lịch, đảm bảo lực lượng thực hiện trên cơ sở có cơ quan điều phối chung.

Đề án này sẽ tham mưu cho khu vực xây dựng hai sản phẩm du lịch đặc thù cấp quốc gia và các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng. 

Sản phẩm du lịch đặc thù phải được xây dựng dựa trên nguồn tài nguyên du lịch cấp quốc gia, cụ thể, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có cảnh quan sông nước phong phú. Trong “Thế giới sông nước” những giá trị tiêu biểu cần tập trung khai thác để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù bao gồm: Giá trị cảnh quan, đời sống sinh hoạt truyền thống và sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Giá trị hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Giá trị văn hóa truyền thống và tâm linh.

Trên cơ sở đó, ở cấp quốc gia, sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Tham quan trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa; Du lịch sinh thái: tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa bản địa ở các sinh cảnh tiêu biểu của hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Trải nghiệm các giá trị văn hóa tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tiêu biểu là Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng bao gồm: Du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; Du lịch tham quan cảnh quan Hà Tiên; Nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm sông Vàm Cỏ.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, để Đề án này phát huy được hiệu quả thì còn phải tính đến nhiều vấn đề đi kèm như: Hạ tầng kết nối; Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Công tác xúc tiến quảng bá; Bảo vệ môi trường; Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.

CINET