Bắc Ninh hướng tới trung tâm du lịch văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng
Cập nhật: 26/09/2014
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó thể hiện rõ quan điểm: Phát triển du lịch bền vững theo hướng có chất lượng, có thương hiệu, chuyên nghiệp, hiện đại… - ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bắc Ninh cho biết.


Bắc Ninh đang nỗ lực phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa

Với 1.558 điểm di tích, trong đó có 518 điểm di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, 2 di tích quốc gia đặc biệt, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dân ca Quan họ Bắc Ninh cùng nhiều làng nghề truyền thống đã tồn tại, phát triển hàng trăm năm… là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị đặc sắc để Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa.

Chính bởi việc khai thác đúng hướng các giá trị văn hóa cho phát triển du lịch, nên trong những năm gần đây, du lịch đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Theo Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu nhập từ du lịch đến năm 2020 đạt 3.300 tỷ đồng, năm 2030 đạt khoảng 20.000 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP đạt trên 4% vào năm 2020.  

Quy hoạch phát triển du lịch Bắc Ninh được xác định với hai không gian chính: TP. Bắc Ninh và phụ cận - thị xã Từ Sơn, trải xuống phía Nam một phần huyện Thuận Thành, huyện Tiên Du; không gian du lịch ven sông Đuống với các điểm di tích chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền và lăng Kinh Dương Vương (huyện Thuận Thành) đến Lệ Chi Viên, đền và lăng Cao Lỗ Vương, bến Bình Than (Gia Bình).

Theo đó, địa bàn TP. Bắc Ninh tập trung khai thác một số sản phẩm du lịch đặc thù như: Khu du lịch Làng quê miền Quan họ tại xã Hòa Long (TP. Bắc Ninh). “Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ở đây là sự trải nghiệm và khám khá các giá trị văn hóa làng quê vùng Kinh Bắc với cây đa, bến nước, sân đình, triền đê, nương bãi ven sông, chiến tuyến sông Như Nguyệt và đặc biệt là thưởng thức nghệ thuật chơi Quan họ và cuộc sống thường ngày của các liền anh, liền chị Quan họ. Đây thực sự sẽ là những trải nghiệm thú vị không chỉ đối với khách du lịch quốc tế mà ngay cả khách du lịch nội địa. Phát triển sản phẩm du lịch này còn góp phần tích cực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc” - ông Phong cho biết.

Riêng đối với không gian lễ hội Lim (thuộc huyện Tiên Du), tỉnh Bắc Ninh cũng đang nghiên cứu đầu tư nơi đây tương xứng với tầm vóc là nơi du khách trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa thế giới - dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Còn với khu du lịch sinh thái tâm linh Phật Tích cũng sẽ nghiên cứu đầu tư trên cơ sở mở rộng chùa Phật Tích gắn kết với khu sinh thái rừng phụ cận (núi Lạn Kha - huyện Tiên Du). Trong tương lai cần thiết xây cầu nối vượt sông Đuống sang khu vực lăng Kinh Dương Vương - chùa Bút Tháp - chùa Dâu (huyện Thuận Thành).

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch này cũng như nâng cao tỷ trọng đóng góp của du lịch vào GDP của toàn tỉnh, Sở VHTTDL Bắc Ninh cho biết: Sẽ chú trọng khai thác thị trường nội địa, đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch của nhân dân trong tỉnh. Đồng thời khai thác khách từ thị trường châu Á, châu Âu, nhất là khách từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… và các nước ASEAN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư cũng như du khách về hình ảnh du lịch miền Quan họ Bắc Ninh văn hóa, thân thiện./.

Ven.vn