Cần Thơ bảo tồn và gìn giữ bộ tượng gỗ quý trên 100 năm tại chùa Phước Thạnh
Cập nhật: 13/10/2014
Trong số các ngôi chùa cổ tại thành phố Cần Thơ, chùa Phước Thạnh là một trong những ngôi chùa còn giữ lại nhiều di sản văn hóa quý giá rất cần được bảo tồn, gìn giữ. 
 

Chùa Phước Thạnh tọa lạc trên nền đất rộng 450m² tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Ngoài diện tích xây dựng, bao phủ xung quanh chùa là khu vườn măng cụt và chôm chôm rộng 5ha đang vào mùa nảy lộc. Dịp viếng chùa lần này của chúng tôi đúng lúc nhà chùa đang trùng tu, nâng cấp. Mặc dù bận bịu với việc chỉ huy xây dựng, nhưng Đại đức Thích Lệ Đức vẫn nhiệt tình tiếp khách khi nghe chúng tôi bày tỏ mong muốn được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về các pho tượng gỗ có tuổi đời trên 100 năm, đang được nhà chùa thờ cúng và bảo dưỡng. 

Đại đức cho biết: chùa Phước Thạnh được khởi dựng năm 1858, ban đầu chỉ là một am nhỏ để chủ nhân là ông Nguyễn Thành Nam thờ Phật và tu hành. Năm 1908, chùa được trùng tu, mở rộng, nâng cấp lần thứ nhất và chính thức mang tên Phước Thạnh. Cũng trong thời gian này, sư trụ trì đã cho mời đoàn nghệ nhân người Huế vào tạc 34 pho tượng bằng gỗ quý. Tiếc rằng, sau bao thăng trầm của thời cuộc, hiện chùa chỉ còn lưu giữ được 16 pho tượng, trong đó nổi bật nhất là bộ ba Tam Thế Phật hay còn gọi là Di Đà Tam Tôn hoặc Tây Phương Tam Thánh với chiều cao hơn 2m, rộng hơn 1m, trọng lượng mỗi tượng khoảng 500kg. Ba pho tượng này được tạc bằng gỗ gõ đỏ và giáng hương. Qua năm tháng, gỗ lên nước nhẵn bóng, ánh màu hổ phách. Quan sát gần, ta có thể thấy rõ từng vân gỗ nổi lên đẹp mắt. 

Ngoài ra, khách vãn cảnh chùa còn được chiêm ngưỡng các công trình điêu khắc hoàn hảo khác gồm: tượng La hán, Bồ Tát Địa Tạng. Các pho tượng được tạc bằng gỗ mun gồm: Ngọc Hoàng, Diêm Vương, ông Thiện và ông Ác. Tượng Ngọc Hoàng, Diêm Vương cao 1m, ngồi trên ngai đầy quyền uy. Tượng ông Thiện và ông Ác cao 1,4m được trạm trổ mềm mại bay bổng với các họa tiết cầu kỳ ở trang phục, khuôn mặt biểu cảm với hai tính cách hiền và dữ đặc trưng. Tượng Hộ pháp, Tiêu Diện cao 1,6m đứng nghiêm trang. Sắc sảo nhất trong số này là bức tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay cưỡi chim Khổng tước cao gần 2m, 18 tay Phật cầm các biểu tượng đặc trưng của nhà Phật như cuốn Kinh Bát nhã Ba La Mật, bông sen, chuỗi hạt, lá phướn Như ý, bình Như ý, vòng kim cang, bánh xa luân… 

Đại đức Thích Lệ Đức cho biết thêm, khi ông tiếp quản ngôi chùa vào năm 2000, các pho tượng Phật được sơn son thếp vàng, nhìn giống như tượng làm bằng xi măng, làm mất vẻ đẹp trầm mặc của gỗ. Ông và các đệ tử đã dành ra 4 tháng trời ròng rã để tẩy hết các lớp nước sơn phủ bên ngoài, trả lại màu gỗ nguyên thủy cho các pho tượng cổ. Trong số 18 tượng bị mất có tượng Phật Thích Ca cao 1,2m; tượng Phật Đản Sanh cao 0,8m và 16 tượng La Hán. Trong đợt trùng tu này, chùa đã đặt mua các súc gỗ lớn và có kế hoạch mời nghệ nhân tạc lại 18 bức tượng bị mất để bổ khuyết vào danh sách 34 tượng quí. Tuy không thể thay thế được những bức tượng nguyên bản nhưng cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về bộ tượng gỗ quý hiếm nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long của khách thập phương đến thăm viếng chùa. 

Cũng theo Đại đức Thích Lệ Đức, khi hoàn thành, ngôi chùa sẽ mang kiến trúc ba gian hai chái theo phong cách vùng Đồng bằng sông nước Nam Bộ. Tòa chính điện nằm trên vuông đất cao 2m so với mặt bằng hiện tại, nhìn từ trên xuống sẽ như tòa sen giữa rừng cây trái. Trước chính điện là tượng Phật bà Quan âm được xây trên một đài cao có cầu thang dẫn uốn lượn uyển chuyển. Tông màu chủ đạo của toàn khuôn viên là màu trắng, tượng trưng cho màu hoa sen trắng của nhà Phật. Đặc biệt, chùa được thiết kế đa năng, ngoài những khi lễ lạt, các gian chùa sẽ trở thành những phòng học để đào tạo tu sĩ, dạy học cho trẻ em nghèo trong vùng. Hiện tại chùa đang nuôi 5 sinh viên ăn ở miễn phí và được hỗ trợ học phí suốt 5 năm học đại học. 

Không chỉ mong muốn bảo vệ và phát huy vốn di sản văn hóa tượng gỗ quý hiếm của nhà chùa, vị trụ trì 44 tuổi còn ước mơ lập một Học viện Phật giáo để đào tạo những tu sĩ có trình độ bậc cử nhân trở lên cho phái Phật giáo Bắc tông Cần Thơ. Trong chủ trương giữ gìn bảo vệ vốn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc, các pho tượng gỗ cổ ở chùa Phước Thạnh là những công trình điêu khắc mang cả giá trị nghệ thuật lẫn giá trị lịch sử, rất cần được bổ sung vào danh sách những di sản cần được bảo tồn.

ĐCSVN