Cà Mau phấn đấu đón 1,2 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2015
Cập nhật: 29/10/2014
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 và 2015 - 2020. Theo đó, Cà Mau phấn đấu năm 2015 đón 1,2 triệu lượt khách nội địa và 30 nghìn lượt khách quốc tế.
 

Đến năm 2020, tỉnh Cà Mau phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 50 nghìn lượt khách quốc tế và đến năm 2030 thu hút khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 110 nghìn khách quốc tế. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu nâng cao nguồn thu từ du lịch, đạt khoảng 1.150 tỷ đồng vào năm 2015 và khoảng 2.610 tỷ đồng vào năm 2020; đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 7.160 tỷ đồng.

Cà Mau cũng sẽ tập trung thực hiện phương án xã hội hóa trong đầu tư và phát triển du lịch từ nay đến năm 2020. Cụ thể, đến năm 2020, tỉnh Cà Mau huy động 500 tỷ đồng để phát triển du lịch; trong đó sẽ có 400 tỷ đồng được huy động từ chủ trương xã hội hóa, còn lại 100 tỷ đồng sẽ từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Để phát triển du lịch bền vững, những năm qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức, phát huy có hiệu quả lợi thế về tài nguyên, nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn du lịch với xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, an ninh chính trị.

Với hệ sinh thái đa dạng và là điểm tận cùng cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, Cà Mau cũng đang đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Trọng điểm du lịch của Cà Mau được xác định là Đất Mũi, Khai Long, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, vườn quốc gia, các cửa biển, sân chim, các khu di tích văn hóa, lịch sử… Cũng theo quy hoạch du lịch của địa phương này, đến năm 2020, Cà Mau sẽ đào tạo 500 cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch để có đủ nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, nhất là quá trình hội nhập, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tỉnh Cà Mau quyết tâm đặt mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho nhân dân địa phương; khai thác có hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang tính đặc thù của địa phương.

ĐCSVN