Về thăm Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ
Cập nhật: 10/10/2008
Ðông Hồ, một ngôi làng xinh xắn nằm bên đê sông Ðuống thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu đã rất nổi tiếng với những bức tranh dân gian Đông Hồ. Tại đây có một Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ của Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vừa được xây dựng xong. Đây còn là một điểm phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu và mua tranh Đông Hồ.
Trung tâm bảo tồn tranh được xây dựng trong một khuôn viên rộng khoảng 5.000m² gồm 3 ngôi nhà, trong đó có hai ngôi nhà dựng theo kiểu truyền thống. Từ cổng vào là ngôi nhà 3 gian kiểu cổ, là nơi đón tiếp khách và chế tác, thực hiện các công đoạn làm tranh cho khách tham quan; phía sau có nhà phục vụ du khách ăn uống; một ngôi nhà hai tầng trưng bày và bán sản phẩm.

Chủ nhân của Trung tâm này là ông Nguyễn Đăng Chế - Nghệ nhân khá tâm huyết với nghề. 15 năm trước ông là người duy nhất bỏ tiền cá nhân sưu tầm, mua lại các bản khắc gỗ cổ, phục dựng lại dòng tranh Đông Hồ tưởng chừng đã mai một. Đến nay ông đã có được 200 bản khắc gỗ cổ và đã vực dậy dòng tranh này. Năm 1995 tranh của ông đã đứng được ở thị trường. Mặc dù đã có một văn phòng giới thiệu tranh ở Hà Nội, nhưng nhiều khách vẫn thích tìm tới tận nhà ông ở Đông Hồ. Nhiều hãng lữ hành đã đưa du khách nước ngoài đến nhà ông để mua tranh, tận mắt quan sát, tìm hiểu các công đoạn làm tranh dân gian của ông Chế.



Theo Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thì nét đặc sắc nhất của tranh Đông Hồ là việc sử dụng toàn bộ chất liệu thiên nhiên để làm tranh. Chẳng hạn giấy làm từ cây dó; màu điệp làm từ vỏ sò, nghiền nhỏ trộn với hồ nếp quét lên; màu đỏ là sỏi đỏ nhặt từ núi Thiên Thai, nghiền nát. Màu đen làm bằng than của rơm nếp, xanh từ lá tràm... Ngày nay có một số cơ sở sản xuất tranh Đông Hồ theo kiểu công nghiệp. Riêng gia đình nhà ông vẫn giữ các công đoạn truyền thống để làm tranh. Tính đến thời điểm này ông Chế là chủ nhân của 100 bộ ván khắc có từ 50-100 năm tuổi. Bộ ván cổ nhất có độ tuổi hơn 400 năm, do cụ tổ 9 đời nhà ông để lại. Những bộ ván khắc ấy được ông Chế bày trang trọng trong tủ kính, vì theo ông giữ bản khắc cũng chính là giữ lấy nghề tổ. Xuất phát từ những điều tâm huyết ấy, ý tưởng thành lập một trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ nhằm giới thiệu tranh Đông Hồ thôi thúc ông nhiều năm qua. Tới nay Trung tâm bảo tồn của ông đã khai trương và đi vào hoạt động. Tại đây trưng bày khoảng 200 bức tranh Đông Hồ các loại; lưu giữ gần 1.000 bản khắc, khuôn tranh mà ông và các thành viên trong gia đình sưu tầm được trong hàng chục năm qua. Mô hình Trung tâm bảo tồn, chế tác của ông Chế khá hấp dẫn du khách. Tại đây du khách có dịp tham quan các bản khắc gỗ cổ, vừa được tìm hiểu quy trình để thực hiện một bức tranh dân gian Đông Hồ, vừa được nghe giới thiệu những giá trị đặc sắc của dòng tranh Đông Hồ và sau đó là thưởng thức những món ăn dân dã mang hương đồng gió nội do các thành viên trong gia đình phục vụ.

Từ Hà Nội, du khách có thể đến thăm Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ theo 2 đường. Một theo quốc lộ 5, rẽ trái theo tỉnh lộ 282 qua Sủi - Keo khoảng 12 km đến chùa Dâu, rồi tiếp tục khoảng hơn 7km sẽ đến làng Hồ; hoặc đến TP Bắc Ninh rẽ sang quốc lộ 38 chừng 15km đến thị trấn Hồ, qua cầu Hồ rẽ phải vài kilomet là tới. Bạn cũng nên biết, cách làng Đông Hồ khoảng 3 - 7km còn có nhiều di tích nổi tiếng khác: chùa Dâu, chùa Tổ - nơi thờ Phật Mẫu Man Nương, chùa Bút Tháp, đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương…
Trung tâm Thông tin Du lịch