Lễ hội Gầu Tào sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới của Lào Cai
Cập nhật: 21/01/2015
(TITC) - Nhằm đa dạng hóa các hoạt động du lịch, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai đến du khách trong và ngoài nước, từ ngày 28/2/2015 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Ất Mùi), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai sẽ đưa thử nghiệm lễ hội Gầu Tào vào phục vụ khách du lịch tại huyện Bắc Hà. 

Hoạt động này không chỉ thu hút sự tham gia của cộng đồng người Mông ở Lào Cai mà còn quy tụ đồng bào dân tộc Mông ở một số tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu. Đến với Lào Cai dịp này, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông ở Tây Bắc mỗi khi Tết đến, xuân về; đồng thời tham gia nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn và sôi nổi thường được tổ chức trong dịp lễ hội Gầu Tào như: múa khèn, hát hội, leo cột, đánh quay, đánh én, kéo co, đẩy gậy…

Theo tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “địa điểm chơi”. Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông ở Lào Cai, gắn liền với niềm tin về sự ấm no, hạnh phúc. Lễ hội được tổ chức ở quy mô gia đình với sự hưởng ứng, góp vui của cộng đồng. Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con, sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không thuận lợi…, họ sẽ khấn xin thần linh ban cho con cái, sức khỏe hay làm ăn phát đạt. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ sẽ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh. Theo tập quán, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày vào mùa xuân 3 năm liên tiếp, thường do 3 gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có chung hoàn cảnh cùng tổ chức. Mỗi năm, một cây nêu sẽ được trồng để 3 gia chủ lần lượt mang về lấy phúc, lấy lộc. Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo thành một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ; những ngọn đồi cao ở phía sau tượng trưng cho sự phát triển, con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.

Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội lớn, có quy mô cộng đồng, gắn với đời sống tâm linh của cộng đồng người Mông ở Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc. Để khẳng định giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học cũng như sự cần thiết bảo vệ và phát huy giá trị di sản này, tháng 12 năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống.

Việc thử nghiệm thành công lễ hội Gầu Tào phục vụ khách du lịch sẽ tạo tiền đề để tỉnh Lào Cai đưa lễ hội thành sản phẩm du lịch thường xuyên nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông đồng thời thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Lào Cai.

Phạm Phương