TP. Hồ Chí Minh tạo sản phẩm mới giữ chân du khách
Cập nhật: 17/03/2015
Lợi thế so sánh về du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các tỉnh, thành trong cả nước đang dần được kéo giảm, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tìm về vùng nông thôn. Để giữ được sức hấp dẫn đối với du khách, TP.HCM phải năng động tạo sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch văn hóa di sản, du lịch đường thủy nội đô…

Nói về vai trò của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, khoảng 5 năm trước đây, tổng doanh thu du lịch chỉ chiếm hơn 5% GDP của thành phố, con số này hiện nay đã chiếm 11% GDP và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Năm 2014 tổng doanh thu du lịch TP đạt 86.109 tỉ đồng, lượng khách quốc tế đạt 4,4 triệu lượt (tăng 7%), chiếm 56% tổng khách quốc tế đến Việt Nam. Từ đầu năm đến nay đạt khoảng 837.000 khách quốc tế với tổng doanh thu trên 16.000 tỉđồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2014.

Để đạt được mục tiêu đón 4,7 triệu lượt khách quốc tế, 19,3 triệu khách nội địa với tổng doanh thu 94.600 tỉđồng trong năm nay, TP đặc biệt chú trọng tạo sản phẩm mới, phát triển du lịch văn hóa di sản, du lịch đường thủy nội đô, phát triển hệ thống dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du khách… Bà Hồng cho biết thêm, TP đang đầu tư mạnh vào Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Riêng về du lịch đường thủy nội đô, tuy mới xây dựng sản phẩm trong hai năm gần đây nhưng đã hoàn thành quy hoạch được hệ thống bến bãi và quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy. Ngân sách đã đầu tư xây dựng được 8 bến cầu, thúc đẩy 10 bến cầu do doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, qua đó tạo thương hiệu hấp dẫn du khách quốc tế.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp của thành phố còn đề xuất được xây dựng tour-tuyến du lịch biển, đảo để phục vụ nhu cầu của du khách, nhất là bà con Việt kiều. Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng xác định sẽ nỗ lực mời gọi các tập đoàn lớn, tiềm năng nước ngoài đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp để “giữ” chân những thượng khách.

Được đánh giá là trung tâm du lịch dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng bền vững, ổn định…, tuy nhiên, môi trường du lịch TP còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM thừa nhận tình trạng cướp giật, chèo kéo đeo bám du khách, taxi dù, nhái nhãn hiệu vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý “bất an” của du khách. Mặt khác, doanh nghiệp hoạt động trái phép, không phép trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố cũng chưa được xử lý triệt để.

Hiện chỉ mới quản lý được 563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 378 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 9 văn phòng đại diện du lịch nước ngoài trên địa bàn thành phố. Việc kết nối các sản phẩm với tour của cùng một doanh nghiệp du lịch, kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch trong khai thác sản phẩm còn yếu. Ông Khánh cho biết, Hiệp hội Du lịch TP chỉ mới tập hợp được một phần bảy trên tổng số doanh nghiệp du lịch đang hoạt động trên địa bàn thành phố, do đó chưa tạo được sức mạnh kết nối như một số thành phố lớn trong khu vực ASEAN đã làm được.

Trong buổi làm việc với Sở Du lịch TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh lưu ý ngành du lịch TP phải chủ động phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác an ninh du lịch, kiên quyết không để xảy ra cướp giật, xâm hại tài sản, thân thể du khách. Nâng cao chất lượng dịch vụ xe vận chuyển du khách, có chính sách bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường công tác thanh kiểm tra… qua đó xây dựng điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn.

Tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, bà Nguyễn ThịHồng khẳng định đây chính là những nội dung chỉ đạo chiến lược quyết liệt của lãnh đạo TP nhằm chấn chỉnh những hình ảnh chưa đẹp của du lịch thành phố. Cụ thể, TP sẽ từng bước thực hiện phân cấp mạnh công tác hậu kiểm cho các quận, huyện để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin du lịch nhằm tăng cường thông tin cho du khách và doanh nghiệp; chuẩn hóa đội ngũ nhân lực ngành du lịch… Theo bà Hồng, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là thực hiện cơ chế miễn visa đối với những thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam.

Báo Văn hóa