Điểm đến hấp dẫn trong Năm Du lịch Quốc gia 2015
Cập nhật: 16/04/2015
Là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử thông qua hệ thống hiện vật, tranh ảnh của vùng quê giàu truyền thống - xứ Thanh, những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách muốn tìm hiểu, học tập, khám phá.
 

Với quần thể kiến trúc cổ gồm ba tòa nhà kiên cố được xây dựng từ thời thuộc Pháp, không gian thoáng mát, trong lành, xung quanh là những hiện vật lịch sử được trưng bày trong khuôn viên đã tạo điểm nhấn đầu tiên cho du khách mỗi dịp đến Bảo tàng tỉnh. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn các hiện vật, cổ vật, di vật, thậm chí nhiều bảo vật quốc gia của các dân tộc thiểu số.

Bằng nhiều nội dung trưng bày phong phú và sinh động nhờ áp dụng công nghệ hiện đại từ bảo quản đến chất lượng âm thanh, ánh sáng, mỗi hiện vật quý hiếm qua các thời kỳ được bảo tồn, gìn giữ cẩn thận, hiện lên sống động trên từng kệ tủ. Hiện nay, bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 393 di vật, cổ vật của các dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều hiện vật văn hóa truyền thống của các dân tộc: Thái, Mường, Khơmú, Mông. Đặc biệt qua tìm hiểu, đã phát hiện 66 hiện vật trống đồng cổ của đồng bào Thái, Mường. Việc xây dựng và hình thành hai phòng trưng bày văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong việc lưu giữ những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách, thúc đẩy giao lưu văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có nhiệm vụ sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu, phát hiện về khảo cổ học, dân tộc học, giới thiệu trưng bày lịch sử hình thành vùng đất, quá trình đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền của nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn toàn tỉnh với trên 30.000 hiện vật trải dài qua từng thời kỳ lịch sử. Hiện nay Bảo tàng tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện nội dung thiết kế nội thất hai phòng trưng bày: “Thanh Hóa thời tiền sử - sơ sử”, “Thanh Hóa trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ”. Khi đi vào hoạt động, hai phòng trưng bày này sẽ có nhiều hiện vật quý hiếm, đảm bảo nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của du khách.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Hoàng Thị Chiến cho biết, với chức năng là một thiết chế văn hóa quan trọng của cả tỉnh, hàng năm Bảo tàng tỉnh mở cửa trưng bày phục vụ trên 3 nghìn lượt khách/năm, chủ yếu là học sinh, sinh viên, cựu chiến binh… đến học tập, nghiên cứu, du lịch. Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2015, được xem là cầu nối, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh về tìm hiểu vùng đất, con người xứ Thanh, đồng thời muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, trước hết Bảo tàng tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm kê di tích, bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng các hạng mục thiết yếu như nhà trưng bày, kho bảo quản hiện vật… để đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống, là điểm đến lý tưởng đối với khách du lịch.

Báo Văn Hóa & Đời sống Thanh Hóa