Lễ hội đầu năm của người Chăm ở Ninh Thuận
Cập nhật: 25/04/2015
Ngày 23/4, đồng bào Chăm tại tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Lễ Rija – được gọi là lễ hội đầu năm của cộng đồng làng. Tại lễ hội này, tất cả người Chăm theo đạo Bà-la-môn hay đạo Bà-ni đều tổ chức cúng lễ đầu năm mới, cầu mưa thuận gió hòa cho mùa vụ mới bội thu.

Ngày nay, đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn và đạo Bà-ni trong cả nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng gọi lễ hội Ka-tê và lễ hội Ra-mư-wan là Tết của dân tộc mình. Đây là hai lễ hội được duy trì lâu đời, phát triển lên thành Tết (theo lịch Chăm) và không nằm vào thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới theo như lịch dương lịch và âm lịch hiện nay của các dân tộc anh em khác ở Việt Nam. Thay vào đó, cộng đồng Chăm có một chùm lễ hội đầu năm rất quan trọng không được coi là Tết năm mới mà gọi là lễ Rija.

Trong hệ thống lễ Rija, có lễ Rija Nâgar (Rija xứ sở) được gọi là lễ hội đầu năm của cộng đồng làng. Còn các lễ Rija khác là nghi lễ của tộc họ và gia đình. Rija Nâgar là một nghi lễ được tổ chức vào đầu năm có ý nghĩa đón năm mới, tống ôn năm cũ, nên còn được gọi là lễ tống ôn - diễn ra vào thời điểm chuyển mùa có ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa cho một vụ mùa mới. Điều này trùng với nhiều cư dân thuộc khu vực Đông - Nam Á, như: người Khmer có Tết “Chol Chnam Thmay”, hay lễ hội “Té nước” của người Thái (Tết Songkran), người Lào (Tết Pimay)… đều diễn ra vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa.


Tiếng trống Pa-ra-nưng và tiếng kèn Saranai, các nhạc cụ không thể thiếu được tại các lễ hội của đồng bào Chăm.

Ông Quảng Sở, ở thôn Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, cho biết: “Hằng năm, cứ vào đầu tháng 1 lịch Chăm (khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch), khi tiếng sấm chuyển mùa vang lên đây đó cũng là lúc báo hiệu một năm mới của người Chăm bắt đầu.

Thường thì lễ Rija Nâgar được tổ chức chính thức trong hai ngày thứ năm (còn gọi là ngày vào) và ngày thứ sáu (còn gọi là ngày ra) của tuần. Trước đó, các công việc chuẩn bị cho lễ cúng đã được triển khai sắp xếp chu đáo, đặc biệt, lễ tẩy uế được thực hiện trước đó một ngày (tức vào ngày thứ tư). Và theo quy định, ngày thứ năm cúng gà, ngày thứ sáu cúng dê. Do đó, người Chăm có câu “vào cúng gà, ra cúng dê”.

Theo đó, trước giờ các thầy cúng bước vào hành lễ Rija Nâgar, đông đảo bà con người Chăm ở Ninh Thuận tựu về và mang theo nhiều sản vật đến bày biện tươm tất tại những điểm được dành làm nơi tổ chức hằng năm của riêng mỗi làng và cùng ngồi đợi giờ hành lễ, không khí rất sôi động.


Các chức sắc của đồng bào Chăm theo đạo Bà-ni ở thôn Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước trong lễ cúng đầu năm mới.

Anh Lộ Minh Trại ở huyện Ninh Phước, cho biết: “Lễ Rija Nâgar có tính cộng đồng rất cao, vì chứa đựng và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa của người Chăm, trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian, âm nhạc và múa. Qua lễ Rija Nâgar, các giá trị cộng đồng được phát huy tính tích cực như tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, tình đoàn kết xóm giềng, đoàn kết giữa các cộng đồng làng và tôn giáo khác nhau”.

Năm nay, lễ Rija Nâgar của người Chăm ở Ninh Thuận diễn ra cùng với thời điểm cả nước tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nên thu hút rất đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và tham gia.

Đồng bào Chăm đón chào một năm mới với niềm mong mỏi về những điều tốt lành, mà cụ thể là những cơn mưa đầu mùa để tắm mát mọi cánh đồng, phục vụ cho công việc đồng áng gieo trồng, cày cấy cho vụ mùa mới.

Báo Nhân dân