Đánh thức tiềm năng du lịch Hoành Bồ, Quảng Ninh
Cập nhật: 04/05/2015
Được coi là có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, lại nằm ngay cạnh các thành phố có thế mạnh về du lịch, nhưng bao năm qua, hoạt động du lịch của Hoành Bồ dường như đang đứng ngoài cuộc. Đã đến lúc những tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Hoành Bồ cần được “đánh thức” nhằm tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
 
Chùa Yên Mỹ (xã Lê Lợi) - Quảng Ninh

Những lợi thế riêng có

Hoành Bồ ở vị trí khá đắc địa khi nằm liền kề với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh, như: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; khu du lịch Bãi Cháy - Tuần Châu; khu di tích danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí); TP. Cẩm Phả. Các tuyến đường giao thông như quốc lộ 279, tỉnh lộ 326, đường Trới - Vũ Oai… được đầu tư, nâng cấp, là điều kiện thuận lợi để nối các tour du lịch trong và ngoài huyện. Hoành Bồ được thiên nhiên ưu đãi với những ngọn núi cao trên 1.000m vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, trong đó còn bảo tồn được hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, như: Núi Thiên Sơn (xã Hoà Bình); đèo Bút, thác Mây, núi Dìa (xã Đồng Sơn). Huyện còn có trên 33.000ha diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với nhiều loài cây, động vật hoang dã, quý hiếm. Trên vùng đất rừng còn có những hồ chứa nước như Yên Lập, Cao Vân với diện tích lớn, không khí trong lành. Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng nằm trọn trên địa phận 5 xã của huyện, là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, được coi là hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi thấp lớn nhất vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, Hoành Bồ còn có nhiều di tích lịch sử văn hoá, cách mạng và văn hoá tộc người độc đáo. Toàn huyện có 37 di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đưa vào danh mục được bảo vệ. Nhiều danh lam, thắng cảnh, địa danh cách mạng đã được nhiều người biết đến, như: Đền thờ vua Lê Thái Tổ; đền Xích Thổ; chùa Quýt; chùa Yên Mỹ; di tích thành nhà Mạc; di chỉ khảo cổ hang Hà Lùng; khu căn cứ cách mạng xã Sơn Dương, Bằng Cả v.v.. Hoành Bồ còn có Khu bảo tồn văn hoá dân tộc Dao Thanh Y (xã Bằng Cả) được Bộ VHTTDL và tỉnh đầu tư. Huyện còn lưu giữ và bảo tồn được những giá trị văn hoá phi vật thể khá nguyên vẹn, tiêu biểu, như: Hội làng người Dao Thanh Y; tục cấp sắc của đồng bào Dao Thanh Phán; các làn điệu dân ca, cách may thêu trang phục, các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc v.v.. Hoành Bồ cũng nổi tiếng với những sản phẩm thuốc gia truyền từ cây cỏ dân gian; những món ăn và bí quyết chế biến rượu chua, rượu rễ cây thuốc, gà nấu gừng, ốc khe, cá khe…

Với những tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn phong phú, mang tính đặc trưng riêng có, Hoành Bồ hoàn toàn có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, du lịch Hoành Bồ vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, chưa được “đánh thức”.

Xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Hoành Bồ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đưa ra quan điểm: Xây dựng và phát triển ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá dân tộc, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; gắn phát triển du lịch với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; gắn kết chặt chẽ với du lịch các thành phố trong tỉnh, nhất là với TP. Hạ Long; phát triển du lịch đa dạng các loại sản phẩm và đồng bộ các hoạt động, từ khâu tổ chức các sản phẩm du lịch đến khâu lữ hành.

Trong Đề án “Phát triển du lịch sinh thái, văn hoá dân tộc huyện Hoành Bồ giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, huyện đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, thực trạng hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện. Đề án đã xây dựng dự kiến 4 tuyến du lịch. Tuyến 1: Lấy Khu bảo tồn người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả) làm điểm kết nối các tour du lịch từ TP. Hạ Long, Uông Bí và Cẩm Phả. Tuyến 2: Du lịch văn hoá tâm linh, đi qua các điểm di tích lịch sử, văn hoá tâm linh tại thị trấn Trới và các xã Lê Lợi, Thống Nhất. Tuyến 3: Du lịch sinh thái xã Đồng Sơn với điểm dừng là Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Tuyến 4: Du lịch sinh thái xã Kỳ Thượng với điểm nhấn là Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng, đèo Dài, trung tâm xã Kỳ Thượng. Cả 4 tuyến đều hướng du khách đến với các sản phẩm du lịch: Khám phá và thưởng thức văn hoá dân tộc; du lịch mạo hiểm, leo núi; du lịch trải nghiệm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao v.v..

Đến nay, Hoành Bồ đã có những quan điểm, định hướng rõ ràng trong phát triển du lịch. Bên cạnh những thuận lợi, những việc huyện đã làm được, như trình cấp có thẩm quyền xếp hạng các di tích; kêu gọi xã hội hoá tu bổ di tích; bảo tồn di sản văn hoá truyền thống; tập huấn, nâng cao kiến thức về du lịch cho người dân…, thì việc phát triển ngành du lịch của huyện hiện gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là nhận thức về phát triển du lịch còn hạn chế, nhân lực phục vụ du lịch tuy dồi dào nhưng chưa được đào tạo bài bản, đầu tư cho du lịch ít, v.v.. Hoạt động du lịch còn manh mún, công tác quảng bá tiềm năng, xúc tiến du lịch của huyện chưa được triển khai có hiệu quả, sản phẩm du lịch nghèo nàn, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Những điều này khiến cho du lịch Hoành Bồ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Để giải “bài toán” phát triển du lịch huyện, rất cần tỉnh, huyện và các nhà đầu tư quan tâm, sớm tìm giải pháp hữu hiệu để phát triển, tránh để lãng phí những tiềm năng, lợi thế “vàng” mà thiên nhiên, lịch sử ưu đãi cho vùng đất Hoành Bồ.

Báo Quảng Ninh