Du lịch nội địa, nhiều dư địa để phát triển
Cập nhật: 12/05/2015
Với trên 90 triệu dân cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường trong nước rất tiềm năng để ngành Du lịch khai thác và phát triển.
 

Tiềm năng rất lớn

Năm 2014 ngành Du lịch đã phục vụ 38,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 10% so với năm 2013). Mục tiêu của ngành trong năm 2015 là phục vụ 41 triệu lượt.

Đơn cử  một địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu từ chỗ chỉ phục vụ 7 triệu lượt khách nội địa vào năm 2010 đã tăng lên 14 triệu lượt vào năm 2014. Nhiều công ty trong lĩnh vực du lịch cho biết lượng khách nội địa không ngừng tăng lên và chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu. Ví dụ như Vietravel có 265.000 lượt khách nội địa trên tổng số 443.500 lượt khách vào năm 2014, đóng góp trên 70% doanh thu. Một đơn vị khác là Saigontourist cũng cho biết đã phục vụ 110.000 khách nội địa trong năm 2014, tăng 50% so với năm 2013.

Ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Saigontourist đánh giá, trong 2 năm qua du lịch nội địa đã tăng trưởng với tốc độ rất nhanh nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, các kết nối với nhiều ngành khác như hàng không, vận chuyển đã giúp ngành Du lịch đưa ra nhiều chương trình kích cầu, giảm giá đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước.

Ngoài ra, thói quen đi du lịch của người dân đã hình thành và ngày càng phát triển. Xu hướng tiêu dùng trong du lịch cũng có sự thay đổi với việc nhiều khách đã chọn hình thức nghỉ dưỡng vốn có tỷ trọng doanh thu lớn thay vì chỉ tham quan, khám phá như trước đây. Nhiều người dân cũng chuyển sang chọn các tuyến nội địa thay vì đi nước ngoài.

Chị Nguyễn Thị Nga, trú tại quận Tân Bình (TP. HCM) cho biết, trước đây gia đình chị thường đi du lịch nước ngoài. Nhưng 3 năm trở lại đây, gia đình chỉ lại thường xuyên lựa chọn các điểm đến trong nước cho các kỳ nghỉ.

"Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển, các cơ sở nghỉ dưỡng, vui chơi cũng như chất lượng phục vụ của ngành du lịch Việt Nam đã có chuyển biến và cải thiện rõ rệt", chị Nga cho biết.

Còn nhiều việc phải làm

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua cho thấy thị trường du lịch nội địa còn rất nhiều tiềm năng. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành Du lịch, hiện nay, ngoài một số địa phương như Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh đã có những chính sách khuyến khích đầu tư cho ngành Du lịch, vẫn còn nhiều địa phương chưa biết phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển cho đúng tầm.

Trong thực tế, sự phối hợp giữa ngành Du lịch với các hãng hàng không, cơ sở lưu trú nhiều khi chỉ giới hạn trong từng chiến dịch kích cầu, mà thiếu sự tương tác, liên kết để có được một chiến lược tổng thể, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch có giá thành thấp, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, phong cách phục vụ đang là một bài toán cần lời giải đối với các công ty lữ hành của Việt Nam. Ngoài một vài công ty du lịch có tên tuổi, phần đông các công ty du lịch của Việt Nam có quy mô nhỏ nên năng lực tổ chức, phục vụ còn thiếu chuyên nghiệp, năng lực của hướng dẫn viên về văn hóa, ngoại ngữ còn yếu…

Cơ sở hạ tầng, hệ thống kết nối giao thông với các điểm du lịch, vấn đề vệ sinh môi trường… cũng cần phải đổi mới và phát triển nhanh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Cuối cùng, cần có những giải pháp để mỗi người dân bản địa đều ít nhiều góp phần vào danh tiếng, sự hấp dẫn của mỗi điểm đến. Ở Việt Nam, một trong số ít những địa phương có phong trào mọi người, mọi nhà tham gia làm du lịch là Hội An (Quảng Nam). 

Ở đây, mọi nhà, mọi người dân từ tham gia hay chưa tham gia vào hoạt động du lịch đều rất ý thức về vệ sinh môi trường, cảnh quan, có thái độ ứng xử lịch sự và thân thiện, góp phần đáng kể vào việc nâng cao mức độ hài lòng và tỷ lệ quay trở lại của khách du lịch.

Chính Phủ