Trưng bày hàng trăm hiện vật quý chủ đề: Sen trên cổ vật
Cập nhật: 13/05/2015
"Sen trên cổ vật" là trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện, sẽ khai mạc vào ngày 14/5 tới đây. 
 

Trưng bày này giới thiệu tới công chúng khoảng 100 hiện vật tiêu biểu có niên đại từ thế kỷ 7 - 9 tới thời Nguyễn (1802 - 1945), là một phần kho tàng cổ vật quý giá đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Những hiện vật được trưng bày góp phần phác họa lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình và trang trí gắn với biểu tượng hoa sen trong dòng chảy văn hóa Việt; giới thiệu tới công chúng trong nước, quốc tế vẻ đẹp tinh túy và ý nghĩa của biểu tượng hoa sen trong tâm thức của người Việt. 

"Sen trên cổ vật" giới thiệu một số nhóm hiện vật tiêu biểu được chia theo các nội dung cụ thể. Ở nội dung "Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn" giới thiệu tới công chúng các đồ ngự dụng được chế tác từ những chất liệu quý hiếm như ngọc, vàng, bạc, ngà… Dưới bàn tay tài khéo của những người thợ, hình tượng hoa sen được khắc họa tinh xảo, mềm mại làm cho các đồ dùng của hoàng gia trở nên sang trọng, quý giá từ đồ thờ cúng, đồ văn phòng tứ bảo đến đồ dùng sinh hoạt… 

Ở nội dung "Sen trong nghệ thuật Phật giáo, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng", Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu bộ sưu tập gồm tượng Phật, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng bằng gỗ, đồng, gốm, đất nung, sành… có niên đại từ từ kỷ 11 đến thế kỷ 20. Tiếp đó là nội dung "Sen trên vật liệu kiến trúc" với các hiện vật thể hiện kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần. Ở thời kì này, hoa sen được trang trí rất phổ biến, là mô típ chủ đạo. Sen có thể được trang trí ở từng bộ phận của công trình như trên các bức phù điêu đá tảng kê chân cột, bệ tượng Phật, gạch lát nền, diềm ngói…, nhưng cũng có thể là biểu tượng của toàn bộ công trình như Chùa Một Cột (thời Lý). 

Không chỉ trong Phật giáo, trong cung đình, sen còn hiện hữu rất phong phú đa dạng trong cuộc sống thường nhật qua sưu tập đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Vào thời Lý, người nghệ nhân xưa thường khắc chìm các lớp cánh sen trên xương gốm cả trong lòng và phía ngoài bát, đĩa sau đó đem phủ men và nung. Còn các loại đồ đựng như bình, ấm, chân đèn, hũ, thống, thạp… được trang trí đắp nổi nhiều lớp cánh sen trên nắp, cổ và chân tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, tao nhã, quý phái cho từng món đồ. Sang đến thời Trần, hình tượng hoa sen được thể hiện sinh động, khoáng đạt, thanh thoát và hiện thực hơn. Ở thời Lê, Nguyễn, hình tượng hoa sen lại được bố cục chặt chẽ nhưng vẫn linh hoạt với các hình khối sắc nét tạo nên sự trang nhã, khúc triết trên từng tác phẩm nghệ thuật. Trong nghề thêu, sen cũng tạo cảm hứng cho nghệ nhân xưa sáng tạo ra nhiều sản phẩm trang trí như tranh thêu và đại tự với các đề tài như: Sen – cò; hoa sen – vật báu… 

Trong văn hóa Việt Nam, sen là một loài hoa biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh tao. Sen vươn lên từ bùn đất và tỏa ngát sắc hương. Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết, thánh thiện, trí tuệ, sự giác ngộ và tinh thần bất nhiễm. Trong tâm thức dân gian, sen được ví với những con người có vẻ đẹp cao quý, bản lĩnh. Do đó, từ lâu sen đã đã đi vào cuộc sống và nghệ thuật của người Việt. Sen được dùng khá phổ biến trong nghệ thuật tạo hình, cách điệu trong trang trí kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ ngự dụng trong cung đình.

TTXVN