Hoa Lư (Ninh Bình) tập trung phát triển kinh tế du lịch
Cập nhật: 02/06/2015
Với mục tiêu phát triển mạnh du lịch, dịch vụ nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, một trong những mục tiêu cơ bản mà Đại hội Đảng bộ huyện Hoa Lư nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra, đó là “Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong phát triển kinh tế”.
 

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Huyện ủy Hoa Lư đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 về phát triển du lịch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy. Việc ban hành Nghị quyết số 02 được xem là yếu tố quan trọng bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền trên địa bàn về quản lý, phát triển du lịch. Điều đáng nói là trong quá trình thực hiện, Đảng bộ Hoa Lư đã tập trung thay đổi tư duy, tạo bước đột phá cách làm du dịch, góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Xây dựng nếp sống văn minh tại các khu, điểm du lịch

Quay trở lại thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết số 02, “toàn cảnh” du lịch của Hoa Lư được nhìn nhận là chưa vững chắc, chưa thực sự tạo bước đột phá, chưa phát huy và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các loại hình sản phẩm cũng như các ngành nghề phụ trợ cho du lịch chưa phát triển. Đồng chí Đinh Thị Cúc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hải cho biết: Với lợi thế có Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Ninh Hải được nhiều du khách biết đến. Vào thời điểm trước năm 2007, trên địa bàn xã do có nhiều đơn vị tham gia làm công tác quản lý khu du lịch, làm kinh doanh, dịch vụ nên du lịch phát triển theo kiểu “mạnh ai người nấy làm”. Hoạt động phối hợp giữa chính quyền địa phương với các đơn vị quản lý trong việc bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng như nếp sống văn minh du lịch chưa tốt. Bên cạnh đó nhận thức của người dân về kinh tế du lịch còn hạn chế, thái độ và tinh thần phục vụ của người dân làm du lịch chưa cao; các doanh nghiệp tham gia dịch vụ du lịch chưa chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nên chưa tạo được sức hấp dẫn của Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trong lòng du khách…

Làm thế nào để Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động phát triển và thu hút ngày càng đông khách du lịch, tương xứng với tiềm năng vốn có luôn là trăn trở của Đảng ủy xã. Thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 02 của Huyện ủy Hoa Lư, Ninh Hải cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung cơ bản của các nghị quyết. Việc làm đầu tiên mà Ninh Hải tiến hành đó là lập lại an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh du lịch. Trong đó, khâu đột phá chính là thay đổi nhận thức “ăn sổi, ở thì” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân làm du lịch. Đảng ủy xã đã tập trung xây dựng mô hình dân vận khéo, trong đó các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi… là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh khu du lịch. Để những người dân tham gia làm công tác du lịch phát huy được quyền làm chủ của mình, thành lập các tổ tự quản theo nghề nghiệp, loại hình như: tổ chèo đò, tổ chụp ảnh, tổ làm công tác vệ sinh; tổ giữ gìn trật tự; bán hàng lưu niệm, kinh doanh, ăn uống, nhà nghỉ… Các tổ được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhân dân tự quản lý, tự giám sát lẫn nhau. Trong mỗi tổ đều có sự sắp xếp, bố trí nhân lực một cách khoa học và hợp lý. Đơn cử như tổ chèo đò đã thực hiện gắn biển đò cố định cho các thuyền, hoặc tổ làm dịch vụ chụp ảnh được cấp thẻ, chứng chỉ hành nghề và đeo biển… Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động để có sự kết hợp nhịp nhàng trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Hàng tháng, UBND xã thực hiện giao ban với lãnh đạo Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, từ đó tạo thông tin nhiều chiều, kịp thời giải quyết những băn khoăn thắc mắc của người dân.

Đến nay, hiện tượng xin tiền bo, yêu cầu khách chụp ảnh đã giảm, an ninh trật tự trong khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã đi vào nền nếp, tạo niềm tin đối với du khách. Phong cách phục vụ chuyên nghiệp, môi trường sạch, đẹp đã tạo cảm giác thoải mái cho du khách khi đến với Tam Cốc - Bích Động. Chính vì thế, lượng khách du lịch đến đây tham quan đã tăng mạnh. Hiện nay, trên địa bàn xã có 42 nhà hàng, khách sạn, cơ sở làm dịch vụ ăn uống, tạo việc làm cho 80% lao động ở địa phương. Du lịch và TTCN đã chiếm tới 80% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của toàn xã, bình quân doanh thu từ du lịch hàng năm đạt 40 - 45 tỷ đồng. Nhiều gia đình đã khá và giàu lên nhờ làm du lịch…

Tập trung đầu tư các dự án về du lịch

Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Hoa Lư đã thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều giải pháp, trong đó chú trọng chọn lọc những giá trị văn hóa gắn với lịch sử vùng đất Hoa Lư. Huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở những khu du lịch trọng điểm, tạo cơ chế và hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, trong 5 năm qua, Hoa Lư đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc thực hiện các dự án trọng điểm như: Quy hoạch khu du lịch Thạch Bích - Thung Nắng; Linh Cốc - Hải Nham; khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động; khu bảo vệ đặc biệt di tích Cố đô Hoa Lư; hoàn thành đầu tư giai đoạn II Dự án làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân; quy hoạch làng nghề thêu ren Ninh Hải; xây dựng và đưa vào hoạt động “chiếu chèo” thôn Văn Lâm (Ninh Hải)… Các dự án này đã và đang từng bước được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Xác định “người dân là chủ thể du lịch” nên nhiều năm qua, Hoa Lư đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng về phát triển kinh tế du lịch cho hàng nghìn người để nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng của người dân khi làm du lịch. Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các lớp đào tạo hướng dẫn viên - một trong những người góp phần đưa du lịch Hoa Lư trở nên hấp dẫn hơn đối với du khách.

Ông Aili Forsenius, du khách Thuỵ Sỹ cho biết, chúng tôi đến với Việt Nam và được một doanh nghiệp lữ hành ở thành phố Hà Nội giới thiệu về Ninh Bình. Chúng tôi đã có 2 ngày tham quan một số điểm du lịch của các bạn như: Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư và Tràng An, tôi rất ấn tượng với cảnh quan các khu du lịch. ở Ninh Bình cũng như ở Việt Nam nói chung, cuộc sống rất thanh bình, không hối hả như ở Thụy Sỹ. Các hướng dẫn viên du lịch rất nhiệt tình, trách nhiệm. Người dân thân thiện và cởi mở. Một người bạn trong Đoàn du lịch của tôi đã quên chiếc máy ảnh trên thuyền ở bến Tam Cốc - Bích Động và ít lâu sau bạn của tôi đã được cô lái đò gửi trả lại. Chúng tôi rất cảm kích và thực sự ấn tượng với phong cách làm du lịch của người Ninh Bình…

Để thu hút khách lưu trú, Hoa Lư đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động lưu trú trên địa bàn, chú trọng công tác thẩm định, tái thẩm định xếp hạng khách sạn, nhà nghỉ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch. Cùng với đó, các cơ sở lưu trú đã chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện mạo và sức hút của ngành “công nghiệp không khói” Hoa Lư đã có nhiều bước chuyển tích cực. Du khách đã biết đến Hoa Lư nhiều hơn, góp phần tăng doanh thu từ hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn từ 676 tỷ đồng (năm 2010) lên 1.028 tỷ đồng năm 2015, tăng 52% so với đầu nhiệm kỳ, trong đó doanh thu từ du lịch trung bình mỗi năm đạt 200 tỷ đồng. Thành công này thêm một lần nữa khẳng định việc ban hành Nghị quyết 02 của Huyện ủy Hoa Lư về phát triển về du lịch là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tiễn.

Báo Ninh Bình