Tây Sơn (Bình Định) nỗ lực phát triển du lịch
Cập nhật: 18/06/2015
Nếu như nói tiềm năng du lịch (DL) Bình Định rất dồi dào, thì một phần quan trọng của tiềm năng ấy nằm trên đất Tây Sơn. Trong những thế mạnh của DL Bình Định (lịch sử - văn hóa - tâm linh; sinh thái biển - rừng...), Tây Sơn chỉ thiếu DL sinh thái biển. Đến nay, tuyến DL Quy Nhơn - Tây Sơn chính là tuyến DL hấp dẫn nhất, thu hút nhiều du khách nhất đối với hoạt động DL Bình Định.
 

Tiềm năng dồi dào

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tây Sơn có 17 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng; trong đó có 10 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt là hệ thống di tích nhà Tây Sơn. Nơi đây là chiếc nôi, là đất phát tích của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bởi vậy, du khách đến Bình Định mà chưa hành hương về đất Tây Sơn để tham quan Bảo tàng Quang Trung, chiêm bái điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt... là xem như chưa đến Bình Định.

Nằm trong chuỗi di tích phong trào Tây Sơn là cây me cổ thụ và giếng nước trong vườn nhà anh em Tây Sơn, di tích Bến Trường Trầu, đền thờ Bùi Thị Xuân, từ đường Võ Văn Dũng... Gần 300 năm tuổi mà cây me vẫn còn cho quả ngọt; nước giếng vẫn trong xanh, vẫn ngọt lành. Cây me cổ thụ đã được đưa vào danh sách cây di sản Việt Nam. Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

Ngoài ra, trên đất Tây Sơn còn có các điểm đến hấp dẫn như Khu DL sinh thái Hầm Hô, Đàn tế Trời Đất, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc; các di tích văn hóa Chămpa như tháp Dương Long (tháp gạch cao nhất Đông Nam Á), tháp Thủ Thiện; các võ đường: Phan Thọ, Hồ Sừng...; các làng nghề: nón lá Thuận Hạnh, bánh tráng Kiên Long; cùng nhiều sản vật ẩm thực độc đáo như dé bò, chim mía, cá mương, rau rừng... Phải mất ít nhất vài ba ngày du khách mới có thể thăm thú hết những điểm đến hấp dẫn trên đất Tây Sơn.

Tập trung khai thác tiềm năng, phát triển DL

Thời gian qua, nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế to lớn về DL, huyện Tây Sơn đã xác định phát triển DL là động lực vô cùng quan trọng để góp phần phát triển KT - XH của địa phương. UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/HU ngày 10/10/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển thương mại, dịch vụ, DL trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015, tổ chức phổ biến, quán triệt đến các cấp, ngành trong huyện.

UBND huyện đã đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển DL; trọng tâm là công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển DL trên địa bàn huyện, qua đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm DL đặc sắc của huyện. Nhiều di tích văn hóa - lịch sử - tâm linh trên địa bàn được đầu tư trùng tu, tôn tạo; mở rộng, nâng cấp đường giao thông đến các di tích, điểm đến; nâng cao chất lượng các lễ hội, nhất là Lễ hội Đống Đa... Huyện cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh DL..., thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, DL ở Tây Sơn.  

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 đơn vị có hoạt động DL là Bảo tàng Quang Trung; 1 đơn vị hoạt động DL chuyên nghiệp là Công ty cổ phần DL Hầm Hô; 9 khách sạn, 12 nhà nghỉ, tổng số 120 phòng. Việc tổ chức kinh doanh phục vụ du khách ngày càng phát triển, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, bước đầu tạo được việc làm với số lao động trong ngành DL khoảng trên 100 người.  

Theo UBND huyện Tây Sơn, 5 năm qua (2010 - 2014), bình quân Bảo tàng Quang Trung đón 118 ngàn lượt khách DL/năm (trong đó du khách quốc tế trên 2%); tổng doanh thu 5 năm trên 5,3 tỉ đồng (phí và lệ phí 3,5 tỉ đồng; biểu diễn võ 1,8 tỉ đồng). Khu DL sinh thái Hầm Hô bình quân đón 60.000 lượt khách/năm, có trên 5% là khách quốc tế; tổng doanh thu gần 50 tỉ đồng... Ông Nguyễn Đình Sanh, Giám đốc Công ty cổ phần DL Hầm Hô, cho biết: Ngoài lợi thế về thiên nhiên danh thắng Hầm Hô, Công ty đã tổ chức hoạt động DL khép kín với điểm đến, nhà hàng, lưu trú, vận chuyển, lữ hành và các sản phẩm, dịch vụ DL khác để thu hút du khách nhiều hơn.

Bên cạnh những thành tựu, việc đầu tư khai thác, phát triển DL cũng như tốc độ tăng trưởng DL Tây Sơn trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Công tác xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư phát triển DL trên địa bàn huyện đạt hiệu quả chưa cao; nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; hạ tầng phục vụ DL chưa được đầu tư đúng mức...

Trong thời gian tới, huyện Tây Sơn sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến DL; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện tham gia đầu tư phát triển DL trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về DL; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm DL. Tăng cường các sản phẩm, dịch vụ DL, quà lưu niệm, đặc sản địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp DL xây dựng tour mới: Bảo tàng Quang Trung - Khu DL Hầm Hô - Đập dâng Văn Phong - Lăng Mai Xuân Thưởng - Đàn tế Trời Đất - thác Đổ. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ và phân cấp rõ ràng trong công tác quản lý, xúc tiến đầu tư DL giữa UBND huyện và Sở VHTTDL.

Báo Bình Định