Đến Tiền Giang tận hưởng nhịp sống miền sông nước châu thổ
Cập nhật: 07/07/2015
Nằm ở cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là một vùng sông nước có phong cảnh hữu tình. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, là điểm đến của các tour du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng khu vực phía Nam. 
 

Đánh thức tiềm năng du lịch 

Toàn tỉnh Tiền Giang có 21 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó có một di tích cấp quốc gia đặc biệt, 125 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 24 khu và điểm du lịch chính, 14 làng nghề truyền thống. 

Các địa danh du lịch nổi tiếng của Tiền Giang có khu di tích khảo cổ Gò Thành (Chợ Gạo) tiêu biểu cho nền văn minh Óc Eo cách đây 15 thế kỷ; khu lăng mộ Trương Định ở thị xã Gò Công; lăng Hoàng Gia (thị xã Gò Công) - nơi an nghỉ của đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, cha bà Từ Dũ Thái Hậu; bãi biển Tân Thành - điểm du lịch hấp dẫn; khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; hệ thống cù lao cồn bãi trên sông Tiền giàu bản sắc văn hóa miền sông nước; làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè)… 

Tiền Giang đã cụ thể hóa khái niệm du lịch sinh thái bằng nhiều hoạt động hấp dẫn như du thuyền trên sông, thăm vườn cây ăn trái, nghe đờn ca tài tử, tìm hiểu ngành nghề truyền thống, khám phá nhịp sống miền sông nước châu thổ, ẩm thực miệt vườn Nam Bộ…

Cù lao Thới Sơn vốn là vùng sông nước bình yên ngàn đời nay sống động hẳn lên từ hoạt động du lịch. Sau gần 30 năm kể từ những bước đầu tiên "khai sơn phá thạch” phát triển du lịch, Thới Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, là trung tâm đón các tour du lịch sinh thái miệt vườn tỉnh Tiền Giang và khu vực sông Tiền. 

Mỗi năm, các tuyến điểm du lịch trên cù lao Thới Sơn đón trên nửa triệu du khách. 

Để biến tiềm năng phát triển du lịch thành hiện thực, năm 1986, Công ty Du lịch Tiền Giang đã xây dựng Khu du lịch Thới Sơn tại cù lao Thới Sơn (cồn Lân) - một trong bốn cù lao nổi tiếng trên sông Tiền và nằm ven thành phố Mỹ Tho. 

Theo ông Bùi Văn Bảo, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thới Sơn, tại cù lao Thới Sơn có 320 đò chèo phục vụ du lịch, trên 1.500 lao động tham gia hoạt động đưa đón khách du lịch và kinh doanh du lịch tại 14 tuyến điểm du lịch trên địa bàn. 

Hoạt động du lịch sinh thái miệt vườn phát triển đã giúp người dân Thới Sơn nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 41 triệu đồng/năm. 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Phong cho biết tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với các vùng sinh thái như ven sông Tiền và cù lao, cồn bãi trên sông, vùng sinh thái ngập nước, mà điển hình là Đồng Tháp Mười, và vùng ngập lũ phía tây, vùng sinh thái mặn ven biển Gò Công. 

Từ hình mẫu phát triển du lịch của cù lao Thới Sơn, tỉnh xây dựng thêm nhiều khu du lịch mới như khu du lịch biển Tân Thành-Hàng Dương, khu du lịch Chợ Nổi Cái Bè, Khu du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp,… 

Tỉnh đã quy hoạch Khu du lịch sinh thái trên cù lao Thới Sơn quy mô 31ha với 4 khu chuyên đề gồm khu tiếp đón đường bộ, khu thể thao dưới nước, khu vườn sinh thái và khu nghỉ dưỡng. 

Đối với vùng sinh thái ngập nước, Tiền Giang xây dựng Khu bảo tồn sinh cảnh Đồng Tháp Mười 100ha và vùng đệm 1.800ha. Trong tương lai, khi Thiền viện Trúc lâm Chánh giác nằm kề bên được hoàn thiện, trục du lịch sinh thái-tín ngưỡng độc đáo ở trung tâm Đồng Tháp Mười sẽ hình thành. 

Khu du lịch biển Tân Thành-Hàng Dương quy mô 80ha ở vùng ven biển Gò Công cũng đã được định hình. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch biển phức hợp, nghỉ dưỡng, thăm sân nghêu Tân Thành gắn với tour tham quan di tích Lũy pháo đài Trương Định và cồn Ngang (Tân Phú Đông) nằm ven vàm Cửa Tiểu tiếp giáp với biển Đông. 

Tiền Giang khuyến khích các thành phần kinh tế kinh doanh du lịch, kiện toàn cơ sở vật chất phục vụ du lịch, hoàn thiện các tour và tuyến điểm du lịch... 

Tỉnh hiện có 49 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó có 14 đơn vị lữ hành quốc tế, 642 phương tiện vận chuyển du lịch đường thủy trong đó có 320 đò chèo, 234 cơ sở lưu trú góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. 

Liên kết để phát triển bền vững 

Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, những năm gần đây, lượng du khách đến Tiền Giang tăng nhanh và ổn định với mức tăng bình quân 10%/năm. 

Năm 2014, tỉnh đón trên 1,42 triệu lượt du khách trong đó có trên 500.000 lượt khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh đón trên 768.000 lượt du khách, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014. Dự kiến năm 2015, toàn tỉnh đón 1,5 triệu lượt du khách trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế. 

Du lịch xanh giờ đây đã trở thành sản phẩm chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh từ sông Tiền qua sông Hậu đến tận mũi Cà Mau cùng chung tay khai thác loại hình du lịch đặc sắc này. Tuy nhiên, muốn phát triển hiệu quả loại hình du lịch này, các địa phương trong vùng, trong đó có Tiền Giang, cần có sự đổi mới và sáng tạo. 

Tiền Giang coi trọng thực hiện đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát triển du lịch xanh bền vững. Tỉnh mời gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với du lịch cộng đồng; tăng cường xã hội hóa hoạt động du lịch; qua đó, huy động vốn của các thành phần kinh tế, của người dân tham gia kinh doanh du lịch thông qua việc dựng tuyến-điểm du lịch, homestay… 

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch Tiền Giang cho biết quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt có 22 dự án du lịch được mời gọi đầu tư với tổng số vốn 8.360 tỷ đồng, trong đó có một số dự án trọng điểm như mở rộng khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; khu du lịch sinh thái biển Tân Thành-Hàng Dương; khu nghỉ dưỡng-khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn; khu du lịch sinh thái cồn Ngang… Song đến nay, chỉ mới có 2 dự án du lịch có nhà đầu tư. 

Tiền Giang có nhiều dự án du lịch cần mời gọi đầu tư nhưng lại thiếu những nhà đầu tư chiến lược, có khả năng đưa ngành du lịch địa phương bước lên tầm cao mới. 

Để tháo gỡ khó khăn này, theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, cần có sự liên kết vùng và tiểu vùng nhằm đưa ngành "công nghiệp không khói" đi lên vững chắc. 

Tiền Giang có chương trình liên kết, hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm xây dựng tạo sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước. 

Tỉnh còn hợp tác, trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động tại doanh nghiệp và các khu du lịch… 

Trong giai đoạn 2015-2020, Tiền Giang ưu tiên cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống du lịch xanh trên các vùng sinh thái, hình thành tour tuyến hợp lý đáp ứng yêu cầu du khách, vừa mang tính đặc thù địa phương vừa có khả năng cạnh tranh cao. 

Du lịch xanh là lợi thế chung của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long miệt vườn sông nước, phong cảnh hữu tình, trong đó có Tiền Giang.

Tuy nhiên, để liên kết du lịch giữa Tiền Giang và các địa phương cũng như toàn vùng mang lại hiệu quả như mong muốn, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Phong, Tổng cục Du lịch cần có định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương; giúp các tỉnh xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm về liên kết tuyến, điểm để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm khắc phục sự trùng lặp; phát huy vai trò các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong xây dựng sản phẩm Du lịch xanh đặc trưng...

Vai trò liên kết vùng được phát huy sẽ tạo nên điểm nhấn, giúp du lịch ở Tiền Giang nói riêng và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững. Đây cũng chính là định hướng mang tầm chiến lược của ngành du lịch Tiền Giang.

Vietnam+