Gốm phương Nam – sức sống mới
Cập nhật: 23/01/2007
Không gian đẹp, hoành tráng của Khu du lịch Văn Thánh là phông nền đa chiều khá lý tưởng cho Liên hoan gốm phương Nam 2007 (từ 12/01 đến 25/01/2007). Với ba mảng trưng bày: bộ sưu tập gốm của các nhà sưu tập đồ cổ; tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình; sản phẩm mỹ nghệ của các công ty, lò gốm tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Lần đầu tiên, các loại gốm nổi danh của miền Nam: gốm Biên Hòa, gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu và đặc biệt là gốm Óc Eo xuất hiện trong lịch sử xa xưa đã được các nhà sưu tập Hoàng Văn Cường, Lê Văn Nhã, Nguyễn Thị Lê, Nguyễn Trọng Cơ, Nguyễn Thanh Chương, Phan Anh Kiệt không ngại ngần mang bộ sưu tập cổ vật quý hiếm ra giới thiệu cho công chúng thưởng ngoạn. Điều đáng nói, điểm trưng bày ở đây không phải tại địa chỉ một bảo tàng cổ kính mà là khu du lịch đông đảo người qua lại.

Chỉ tiêu biểu phần nào thể loại bình, đĩa, chóe, chậu, ống bút, tượng Phật Thích Ca, Phật Quan Âm, Di Lặc, Bồ Đề Đạt Ma, Khổng Tử, Lão Tử hay một số tượng rồng, ngựa, heo... nhưng nhìn thoáng qua, cũng gợi cho người xem hình dung đến bóng dáng xã hội một thời cùng dấu ấn văn hóa một vùng miền vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học thể hiện qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân gốm tài hoa xưa.

Từ truyền thống đến hiện đại, gốm mỹ nghệ ngày nay được các nhà doanh nghiệp kết hợp tính kỹ thuật và tính nghệ thuật, chất liệu, men màu để làm tôn thêm vẻ đẹp, hữu ích của gốm trong hoạt động trang trí nội thất, trang trí ngoại thất.

Mới mẻ hơn, có doanh nghiệp đã sử dụng hoàn toàn vật liệu gốm và gạch xây dựng thành ngôi nhà gốm. Mang dáng nét riêng, sản phẩm của các công ty Gốm Việt, gốm Mỹ nghệ Sài Gòn, Gốm 1-5, Sinh Phong, Tân Hiệp Phát đã góp mặt và ít nhiều bộc lộ những nét phát triển của gốm phương Nam đương đại.

Phần trưng bày thứ ba khá đặc biệt với sự tham gia của nhóm nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tác gốm mỹ thuật, tạo thêm một sức sống mới, đa dạng hóa cho gốm trong dòng chảy mỹ thuật đương đại.

Các họa sĩ Khưu Đức, Lê Triều Điển, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Thanh Tùng, Nguyễn Lâm, Lê Ký Thương, La Hon, Nguyễn Thân, Nguyễn Minh Phương, Hoàng Anh, Hồng Lĩnh, Ái Lan, Thúy Hồng, Đoàn Xuân Hùng, Thân Trọng Minh, Thanh Hằng, Miên Đức Thắng, Thanh Thủy, Lê Thị Kim, Dương Sen, Hoàng Cúc, Võ Hoàng Hiệp, Minh Thời, Nguyễn Chương... ngẫu hứng và đầy cảm xúc sáng tác với các đề tài: văn hóa đồng bằng sông Cửu Long - thuyền gốm; những người phụ nữ; gốm chân dung “biếm họa”; mặt nạ - con người muôn mặt; tình thơ trên gốm; sắp đặt “dấu chân trên gốm”; sắp đặt “đại gia đình Trư Bát Giới”...

Êm ái, lãng mạn hơn, mảng tranh gốm của Lý Khắc Nhu, Huỳnh Tuần Bá, Trần Phương Mỹ, Lâm Kim Vàng tái hiện những bức thủy mặc trên gốm với sắc màu, đường nét vừa cổ điển, vừa hiện đại, qua tác phẩm Hạ Long, Hương sen, Hồng sen, Chiều bên sông...

Liên hoan gốm là dịp để người xem cổ vũ và tôn vinh tài năng đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân tài hoa của ngành gốm Việt Nam.
SGGP