Bến Tre – trung tâm điểm của cụm duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 07/08/2015
(TITC) - Cụm du lịch duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên gần 14.000km2, bao gồm 05 tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh. Đây là vùng kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng của khu vực phía Nam. Với tiềm năng du lịch đặc sắc, không giống bất kỳ vùng miền nào của cả nước, cụm du lịch duyên hải phía đông ĐBSCL thực sự là bức tranh tuyệt đẹp với khí hậu ôn hoà, cảnh quan hấp dẫn, con người thân thiện. 

Nằm ngay trung tâm của cụm du lịch duyên hải phía đông ĐBSCL, đồng thời nằm giữa 2 trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, Bến Tre có nhiều thuận lợi trong việc đón, phục vụ du khách, mở ra nhiều cơ hội trong việc phát triển du lịch.

Bến Tre được hình thành trên ba dải cù lao Bảo, Minh, An Hóa và được bồi đắp bởi 4 dòng sông hiền hòa, mang nặng phù sa là sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Với môi trường sinh thái đa dạng, đất đai màu mỡ, Bến Tre trở thành một trong những vựa cây ăn trái và cây giống lớn của khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, nơi đây được coi là xứ dừa với khoảng 63.000ha trồng dừa, chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước. Vùng đất này còn nổi tiếng với hệ thống các cồn nổi như: cồn Phụng, cồn Quy (huyện Châu Thành); cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách); cồn Ốc (huyện Giồng Trôm); cồn Nhàn, cồn Hố (huyện Ba Tri)…

Bến Tre cũng được biết đến là quê hương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng với nhiều di tích lịch sử như nhà truyền thống Đồng Khởi; đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam; khu tưởng niệm và mộ phần các danh nhân Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản…; những ngôi đình làng, chùa cổ, nhà cổ với lối kiến trúc độc đáo có giá trị mỹ thuật cao như đình Tân Thạch, Tiên Thủy, Phú Lễ, Bình Hòa, chùa Hội Tôn Cổ Tự, nhà cổ Hương Liêm… Bên cạnh đó, những điệu hát, câu hò mang đậm chất miền Tây cũng góp phần làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của xứ dừa. Đến Bến Tre, du khách còn có dịp tham quan nhiều làng nghề nổi tiếng như: hoa kiểng, cây giống Cái Mơn – Chợ Lách, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, dệt chiếu Nhơn Thạnh… hay các làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa ở Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre… Khi tham quan du lịch Bến Tre, du khách không thể bỏ qua dịp thưởng thức các món ăn hấp dẫn của xứ dừa như: cháo dừa, cơm dừa, gỏi củ hũ dừa tôm thịt, ốc xào nước cốt dừa, chuột dừa nướng, bí hầm dừa, lươn om nước cốt dừa...

Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Bến Tre có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch về nguồn, du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng.

Từ Bến Tre, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá nhiều điểm du lịch hấp dẫn trong cụm du lịch duyên hải phía đông ĐBSCL như: cụm di tích Bình Tả, ngôi nhà trăm cột, rừng tràm… (Long An); chợ nổi Cái Bè, trại rắn Đồng Tâm, cù lao Thới Sơn… (Tiền Giang); vườn cây trái Bình Hòa Phước, cầu Mỹ Thuận… (Vĩnh Long) hay những ngôi chùa Khmer (Trà Vinh). Thời gian qua, cụm du lịch này đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm khu vực và quốc gia như: lễ hội Dừa Bến Tre; lễ hội Ok-Om-Bok Trà Vinh; các hội thảo, hội chợ, triển lãm và chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước.

Hiện, du lịch Bến Tre nói riêng và các tỉnh trong cụm du lịch duyên hải phía đông ĐBSCL đang quy hoạch, phát triển nhằm tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo hơn; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết tour tuyến để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng.

Phạm Phương