Bến Tre phát triển du lịch bền vững
Cập nhật: 23/09/2015
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, trong năm 2015 Bến Tre đã phấn đấu thu hút 440 nghìn lượt khách quốc tế và 560 nghìn lượt khách nội địa đến tham quan du lịch. Định hướng của tỉnh Bến Tre trong những năm tiếp theo là phát triển du lịch theo hướng bền vững.
 

Tiềm năng phát triển

Bến Tre là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với gần 60 nghìn ha, cung ứng trên thị trường hàng năm trên 500 triệu trái dừa, đang dần khẳng định vị thế của mình trong phát triển ngành dừa, với tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa hàng năm trên 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Bến Tre còn có nhiều tài nguyên du lịch không chỉ về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn mà còn là nơi bảo tồn và phát triển đa dạng loại hình du lịch khác như: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch vui chơi giải trí. Ba năm trở lại đây, Bến Tre đã triển khai chương trình kích cầu du lịch đến các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với thúc đẩy các ngành dịch vụ, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, đầu tư hạ tầng giao thông du lịch và đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trú.

Với những lợi thế sẵn có, cùng với những định hướng chiến lược phát triển du lịch cụ thể, du lịch cũng là một trong những ngành được tỉnh Bến Tre xác định là ngành quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế địa phương. Rất nhiều các điểm du lịch và kết cấu hạ tầng được tỉnh Bến Tre đầu tư, nâng cấp ngày một khang trang, hấp dẫn du khách, như: công trình nhà cổ Hương Liêm (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú), di tích đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), mộ và đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản (xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri), di tích Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri), di tích Đồng Khởi (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam). Hiện nay, một số doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh Bến Tre đã khai thác chương trình tour du lịch về nguồn kết hợp với tham quan các điểm du lịch sinh thái thu hút một số lượng lớn du khách quốc tế từ thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, chủ yếu là khách đến từ các nước Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Những năm gần đây, loại hình du lịch homestay đã phát triển mạnh ở Bến Tre. Du lịch homestay mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế với sinh hoạt đời thường của người dân, khám phá cuộc sống làng quê sông nước và văn hóa bản địa, từ đó được du khách lựa chọn trong hành trình tour du lịch tại Bến Tre ngày một đông.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 20 điểm homestay, chủ yếu tập trung ở huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre. Nhiều homestay được đầu tư khang trang, đầy đủ tiện nghi như: Homestay Năm Hiền, Homestay Mai Thanh Vân, Jardindu Mekong Homestay, Tám Lộc, Năm Vũ, Đại Lộc, đó là những ngôi nhà được xây dựng thoáng mát, tiện nghi gắn liền với cảnh làng quê miệt vườn rất đẹp, không khí trong lành, cách xa thành phố, sân vườn rộng lớn, nội thất sang trọng.

Với ưu thế phát triển kết hợp nhiều loại hình du lịch như vậy, nên trong thời gian gần đây, các công ty du lịch tại Bến Tre cũng đã tập trung khai thác các chương trình tham quan tại các huyện như: Ba Tri, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại, Chợ Lách như đưa du khách đi tham quan các di tích văn hóa - lịch sử. Ngoài ra các doanh nghiệp du lịch cũng đưa khách khám phá các làng nghề truyền thống của các huyện để gắn kết giữa du lịch về nguồn với du lịch biển và du lịch làng nghề tạo nên sự đa dạng sản phẩm trong tour du lịch về với vùng đất Bến Tre.

Quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trên cơ sở các tiềm năng sẵn có, Bến Tre xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2030 và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2015, tỉnh Bến Tre phấn đấu doanh thu từ du lịch đạt khoảng 700 tỷ đồng và đến năm 2020, sẽ thu hút 1,6 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế, doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bến Tre đã có những giải pháp phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển theo chiều sâu nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định được thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Phát triển du lịch phải theo hướng bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo thị trường khách du lịch bền vững...

Bến Tre đang tập trung xây dựng hệ thống giao thông nhánh đến các vùng quy hoạch du lịch, cùng với các dịch vụ khác như điện, nước sạch, bưu chính - viễn thông. Theo đó, tỉnh Bến Tre đang vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư phát triển các điểm du lịch cộng đồng, tập trung ở các xã ven sông thuộc huyện Châu Thành. Các điểm du lịch ở xã Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Hưng Phong, du lịch sinh thái huyện Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại. Ngoài ra, Bến Tre hiện đang có hai khu du lịch đặc thù là “Forever Green Resort” và dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre”, đây là 2 khu du lịch đang được tập trung xây dựng hoàn chỉnh. Các khu di tích văn hóa - lịch sử như Lăng Nguyễn Đình Chiểu, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, Di tích Đồng Khởi, Căn cứ Quân Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cũng đang tiếp tục nâng cấp và phát triển kết hợp với phát triển loại hình du lịch tham quan làng nghề.

Ngoài những sản phẩm du lịch truyền thống, các ngành hữu quan tỉnh Bến Tre còn phối hợp tổ chức các sự kiện, chiến dịch về nguồn, phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí, góp phần giữ khách lưu trú và kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Thực hiện các chương trình thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu đất nước, con người, tài nguyên, sản phẩm du lịch của tỉnh, huyện đến với du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngành du lịch Bến Tre cũng biên soạn và phát hành ấn phẩm, với những thông tin chính thức về du lịch để tạo lực đẩy mới cho du lịch địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố và nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; nâng cấp các di tích văn hóa – lịch sử; tổ chức các sự kiện lễ hội mang nét đặc thù của địa phương; tăng cường số lượng các khu, điểm du lịch, hướng đến nhóm khách cao cấp, có thời gian lưu trú dài và có khả năng chi tiêu cao. Đồng thời tiếp tục củng cố và thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch với các thành phố phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An; cải thiện chất lượng dịch vụ ở tất cả các cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển du lịch; phát triển du lịch gắn với khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc; triển khai thi công nhanh các dự án đầu tư phát triển du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

ĐCSVN