Du lịch đường sông gắn với di tích văn hóa, lịch sử ở Cần Thơ
Cập nhật: 09/11/2015
Bình Thủy không chỉ nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều di tích văn hóa - lịch sử mà còn có mạng lưới sông rạch chằng chịt đan xen với những vườn cây trĩu quả, tạo nên cung đường khám phá độc đáo. Để thưởng lãm hết vẻ đẹp này, du khách có thể trải nghiệm du lịch đường sông gắn với các di tích văn hóa- lịch sử.

Trải nghiệm văn hóa sông nước

Từ rạch Mương Khai hay rạch Phó Thọ, rạch Lòng Ống, du khách di chuyển bằng tàu để thưởng ngoạn khung cảnh sông nước hữu tình của Bình Thủy. Hai bên bờ là những rặng cây xanh, những hàng hoa kiểng tạo nên bức tranh miệt vườn sông nước đặc trưng và lôi cuốn. Vườn trái cây Ba Cống (khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền) là điểm dừng chân không thể thiếu. Vườn rộng 2,3 hécta, trồng đủ các loại cây ăn trái: thanh long, chôm chôm, bưởi da xanh, măng cụt, xoài… Sau một vòng tham quan vườn, du khách thưởng thức trái cây và cùng chủ vườn trò chuyện về chuyện trồng cây, chuyện làm du lịch.

Cách vườn trái cây Ba Cống vài trăm mét là làng đồ chơi dân gian (khu vực Bình Thường B) đậm bản sắc văn hóa truyền thống với những gia đình sinh sống bằng nghề chế tác những món đồ chơi cổ truyền với đủ sắc màu, hình dáng của các con vật gần gũi trong tâm thức người Việt: rùa, gà, heo, cá sấu, trâu, chuột.... Đến đây, được khám phá những công đoạn tỉ mỉ, tinh xảo để tạo nên một sản phẩm, được thử tài làm thợ chế tác dân gian với mức giá hợp lý và tạo ra sản phẩm độc nhất theo cách riêng của mình. Anh Nguyễn Văn Truyền, một trong 10 hộ dân sống bằng nghề chế tạo đồ chơi dân gian tại đây, cho biết: "Nhiều khách đến đây ban đầu còn e ngại, nhưng chỉ sau 5-7 phút là có thể tự tay làm ra một món đồ chơi ý nghĩa đem về làm kỷ niệm". Làng nghề này đã có hơn 20 năm, nhưng đón khách du lịch thì chỉ hơn 2 tháng nay.

Nếu muốn tìm hiểu đời sống của cư dân vùng sông nước, du khách có thể theo chân anh Nguyễn Ngọc Văn (tổ 8, khu vực Bình Thường B) dỡ đú (dụng cụ bắt cá trên sông) dọc tuyến rạch Phó Thọ. Khách trực tiếp bắt cá, từ cá trê, cá bống, cá linh… rồi chế biến thành những món ăn dân dã: canh chua, cá chiên, cá kho... Ngồi bên bờ sông lộng gió, bốn bề cây xanh, du khách thưởng thức bữa cơm nóng hổi đậm phong vị sông nước. Rạch Phó Thọ- Bà Bộ (phường Long Hòa và Long Tuyền) nổi tiếng với những vườn hoa đẹp tồn tại hơn 80 năm. Trước đây, du khách đến làng hoa chỉ ngắm, thì nay được trải nghiệm trồng hoa tại nhà vườn của ông Huỳnh Thanh Cần (khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền), với nhiều giống hoa mới, được trồng bằng kỹ thuật công nghệ cao. Khách được hướng dẫn các công đoạn: chuẩn bị đất, đan giỏ, chăm sóc hoa…. Cũng xuôi theo con rạch này, đến gần đoạn rạch Lòng Ống, du khách sẽ đến cơ sở làm bánh gia truyền của ông Dư Văn Sái, còn gọi thân mật là ông Tám Sái (khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền). Tại đây khách trải nghiệm làm bánh dẻo, bánh Tất niên– loại bánh đã thất truyền mấy chục năm nay, duy nhất nhà ông Tám Sái còn giữ lấy nghề. Khách sẽ được hướng dẫn làm bánh và thưởng thức tại chỗ.

Du khách còn có thể theo cung đường dọc rạch Ngã Bát- Bờ Dầu ghé vườn vú sữa tím của ông Nguyễn Văn Khương, gọi thân tình là Bảy Khương (255/10, khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền); hay tham quan Hợp tác xã nông nghiệp Long Tuyền- mô hình sản xuất rau quả sạch nổi tiếng của TP Cần Thơ; hoặc làm chả giò rế ở nhà Út Châu, làm bánh hỏi tại nhà ông Nguyễn Văn Thì (252/10, khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền), làm nông dân, làm bánh ở Cồn Sơn…

Khám phá không gian làng cổ, di tích văn hóa lịch sử

Trước đây, các tour đường sông của Bình Thủy chưa được phát huy vì lòng sông cạn, tàu chỉ qua lại được một số đoạn. Gần đây, UBND TP Cần Thơ đã triển khai các dự án nạo vét các rạch dọc tuyến Phó Thọ- Lòng Ống, khơi thông nhiều dòng chảy, tạo thêm nhiều tuyến tham quan hấp dẫn, gắn với các điểm di tích: nhà cổ Vườn Lan, đình Bình Thủy, chùa Nam Nhã….

Từ rạch Ngã Bát, du khách có thể tham quan Khu di tích văn hóa lịch sử Vườn Mận rồi rẽ nhánh sang rạch Bờ Dầu khám phá những vườn cây, làng nghề làm bánh… Hấp dẫn hơn, du khách có thể đi dọc rạch Phó Thọ đến chợ truyền thống Phó Thọ (khu vực Bình Phó A, P.Long Tuyền) hòa nhịp sống bình dị của cư dân địa phương, rồi men theo các con rạch ông Đội- Phố- Cam- Chanh đến Nhà cổ họ Dương (đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy), còn gọi là nhà cổ Vườn Lan– một trong những di tích nổi tiếng của quận Bình Thủy được xây dựng năm 1870, có kiến trúc kết hợp hài hòa Đông Tây. Nhà cổ họ Dương còn hấp dẫn du khách với nhiều cổ vật được gìn giữ hơn 100 năm qua.

Không gian cổ kính của Bình Thủy còn gây ấn tượng bằng những công trình cổ xưa khác. Điển hình là chợ Bình Thủy (đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy)- nơi mua bán sầm uất từ xưa gắn với lịch sử của làng cổ Long Tuyền, dãy nhà cổ ở đầu chợ… Cách nhà cổ Vườn Lan vài trăm mét là đình Bình Thủy, công trình tín ngưỡng- nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành Bình Thủy. Nếu đến đây vào đúng dịp lễ Kỳ Yên Thượng điền (từ ngày 12 đến 14- 4 âm lịch), Kỳ Yên Hạ điền (ngày 14, 15-12 âm lịch), du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn nét đẹp độc đáo của nền văn minh lúa nước của Nam bộ. Đối diện đình, bên kia bờ sông là chùa Nam Nhã trầm mặc, cổ kính.

Bà Lê Thị Bé Bảy, Phó Trưởng Phòng Văn hóa– Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: "Dựa trên những điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa… quận đã tìm tòi xây dựng những sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng và phát huy thế mạnh của miệt vườn và các di tích ở Bình Thủy, tạo nên tour- tuyến phong phú để du khách có nhiều lựa chọn. Các tour đường sông này đều gắn kết đủ các loại hình trải nghiệm: vườn sinh thái, làng nghề, ẩm thực và tìm hiểu các di tích".

Bình Thủy đang trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích với những tuyến đường sông độc đáo theo định hướng phát triển của ngành du lịch thành phố. Hiện ngành du lịch thành phố đang làm Đề án "Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù (đường sông)" để tạo thêm nhiều sản phẩm, hành trình đủ sức thu hút du khách.

Báo Cần Thơ