Quảng bá tinh hoa văn hóa truyền thống: Ðòn bẩy phát triển bền vững
Cập nhật: 25/01/2016
Nếu những kỳ đầu tiên, Festival Huế được tổ chức chỉ nhằm mục đích giới thiệu điểm đến cho du khách, chưa tạo ra nhiều sản phẩm để phát triển du lịch bền vững...

Nếu những kỳ đầu tiên, Festival Huế được tổ chức chỉ nhằm mục đích giới thiệu điểm đến cho du khách, chưa tạo ra nhiều sản phẩm để phát triển du lịch bền vững, thì kể từ kỳ thứ 5 (2008) trở lại đây, Festival Huế đã trở thành thương hiệu quảng bá du lịch và văn hóa có tiếng trong nước và lan tỏa đến thế giới, tạo ra đòn bẩy thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển theo hướng chuyên sâu.

Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đổi mới, đầu tư để nâng cao hơn nữa về chất lượng, nhưng Festival Huế đã gợi mở một loại hình hoạt động văn hóa mới và khẳng định thương hiệu trên bản đồ Festival Việt Nam và thế giới, từng bước gia nhập cộng đồng Festival quốc tế và quan hệ với các Festival Adelaide (Australia), Edingburg (Scotland), Geyongju (Hàn Quốc).

Cùng với Festival, Huế đã góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội mới, các loại hình nghệ thuật, trong đó có cả nghệ thuật sống được dày công tôn tạo, gìn giữ và phát triển. Festival quảng bá cho Huế, cho di sản độc đáo của Huế, tất yếu góp phần rất đáng kể tác động tốt cho thương hiệu Huế. Việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đã thúc đẩy phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống đáp ứng công tác bảo tồn và cả nhu cầu của khách du lịch. Festival nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai, minh chứng cho sự thành công đã đạt được trong việc phục hồi các công trình kiến trúc của quá khứ và làm sống lại các truyền thống văn hóa trước đây... Festival cũng đã nối kết giữa Huế, Việt Nam và thế giới.

Theo nhận định từ các chuyên gia văn hóa, Festival Huế xứng tầm là một sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc. Festival Huế năm nay sẽ tiếp tục quy tụ các đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Maroc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, SriLanka, Australia, Hoa Kỳ, Mêhicô, Chilê, Colombia.... Ngoài việc huy động tối đa lực lượng nghệ sĩ biểu diễn của địa phương, Festival Huế 2016 tiếp tục có sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đặc sắc trong cả nước: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc - Thái Nguyên, Liên đoàn Xiếc Việt Nam...

Theo Ban tổ chức, chương trình Festival Huế 2016 sẽ vô cùng phong phú tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây. Festival Huế 2016 là cơ hội để quảng bá Huế - thành phố văn hóa, di sản, festival và du lịch đặc trưng của Việt Nam.

Báo SKĐS