Khám phá 7 cung đường đèo đẹp dẫn vào Đà Lạt (Lâm Đồng)
Cập nhật: 26/01/2016
(TITC) - Những cung đường đèo dẫn vào TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã được nhiều du khách biết đến như những thắng cảnh tuyệt đẹp chỉ khu vực Tây Nguyên mới có. Hãy ghé thăm Đà Lạt một lần, du khách sẽ có dịp thưởng lãm vẻ đẹp ngoạn mục của những cung đường đèo này.

Được bao quanh bởi các dãy núi cao và cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 110km về phía nam, đèo Chuối (thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai) nối Đồng Nai với Lâm Đồng là cung đường đèo đầu tiên trên tuyến quốc lộ 20 dẫn đến TP. Đà Lạt. Đèo dài 4km, điểm cao nhất so với mặt nước biển là 350m. Do trước đây khu vực quanh đèo có nhiều chuối rừng nên người dân địa phương đặt tên là đèo Chuối.

Tại khu vực đèo có tảng đá nhô lên trên đỉnh núi cao như ngón tay chỉ lên trời. Nếu có dịp qua đèo vào lúc chiều tà, ráng chiều vệt cam đỏ như kéo dài trên ngón tay đá, tạo nên bức tranh sống động, kỳ thú.

Vượt qua đèo Chuối, đi tiếp khoảng 10km nữa, du khách sẽ đến đèo Bảo Lộc (TP. Bảo Lộc). Đèo được xây dựng vào năm 1973, trên địa hình hiểm trở với một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm. Đây được coi là tuyến đường đèo mạo hiểm với chiều dài 10km, điểm cao nhất so với mực nước biển là 980m và có hơn 100 khúc cua gấp. Từ sau khi quốc lộ 20 được nâng cấp, tuyến đường đèo Bảo Lộc trở nên dễ đi hơn, rộng thênh thang chạy qua những triền núi cao và những cánh rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn trĩu quả. Trên đèo, khu vực tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Đức Mẹ Maria và miếu Ba Cô đã được xây dựng để phù hộ cho người dân và du khách vượt đèo được an toàn.

Du khách tiếp tục đi theo quốc lộ 20 khoảng hơn 90km sẽ đến đèo Prenn (TP. Đà Lạt) nối huyện Đức Trọng và TP. Đà Lạt. Đèo được xem là cửa ngõ dẫn vào thành phố với hai bên đường là những hàng thông cao vút được điểm tô sắc vàng của hoa mai anh đào. Đèo dài 11km, không có những đoạn cua gấp và uốn lượn quanh dòng thác Prenn xinh đẹp. Thác Prenn cao 9m, rộng 20m, ngày đêm tung bọt trắng xóa xối xả đổ nước xuống dòng suối Prenn. Hiện nay, khu vực thác đã được quy hoạch thành khu du lịch thác Prenn với diện tích 160ha, trong đó rừng thông và rừng nguyên sinh chiếm 90% diện tích. Phần diện tích còn lại được quy hoạch xây dựng cáp treo vượt thác, cầu treo bắc qua suối, nhà sàn, khu trưng bày tranh thêu, khu bán hàng lưu niệm, khu biểu diễn nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, khu tổ chức các trò chơi...

Từ đèo Prenn, du khách tiếp tục vượt đèo Mimosa (TP. Đà Lạt) vắt ngang những đồi thông trập trùng với chiều dài 10km sẽ tới trung tâm TP. Đà Lạt. Đèo mang tên mimosa vì mỗi khi mùa xuân về, những cây mimosa ở hai bên đường đèo lại nở hoa vàng rực.

Mimosa là cây thân gỗ, có nguồn gốc từ Australia, đã được đưa về trồng ở Đà Lạt từ khi thành phố mới được thành lập. Hoa mimosa hình giống quả bông, cánh hoa như sợi chỉ, màu vàng, nở thành chùm rất đẹp. Với vẻ đẹp đặc trưng quyến rũ, đèo Mimosa là điểm đến ưa thích của khách du lịch và là địa điểm tạo cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia.

Nằm trên quốc lộ 27 nối tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, đèo Ngoạn Mục (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) được xem là cung đường đèo hiểm trở bậc nhất ở phía Nam. Đèo dài 18,5km, độ dốc trên 9º, nhiều điểm cao 980m so với mực nước biển và có nhiều đoạn đèo gập ghềnh, khúc khuỷu. Đặc biệt, từ trên đèo nhìn xuống, du khách sẽ thấy bao quát toàn cảnh núi rừng hùng vĩ, thung lũng Ninh Sơn trập trùng trong mây và cảm nhận được cùng lúc 2 kiểu khí hậu dịu mát của Đà Lạt và khô nóng của Ninh Thuận.

Từ đèo Ngoạn Mục, đi tiếp theo quốc lộ 27 về phía tây khoảng 30km, du khách sẽ đến đèo Dran (thị trấn Dran, huyện Đơn Dương) nối huyện Đơn Dương với TP. Đà Lạt. Đèo dài khoảng 10km, có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những rừng thông, đồi chè xanh mướt, đặc biệt là bạt ngàn hoa dã quỳ nở vàng rực mỗi khi thu về... Vào mùa đông, nơi đây đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh với sương mù trắng xóa, trôi bồng bềnh.

Tọa lạc trên tỉnh lộ 723, đèo Long Lanh (huyện Lạc Dương) là cung đường đèo tuyệt đẹp nối thành phố hoa Đà Lạt tới thành phố biển Nha Trang. Đèo còn được gọi là Omega vì có hình dáng như đồ thị Omega. Đèo dài 30km, điểm cao nhất so với mực nước biển là 1.700m.

Khung cảnh trên đèo Long Lanh vào bất kỳ thời điểm nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là vào lúc bình minh. Khi những giọt sương mai dần tan thì cũng là lúc hình dáng con đèo và những vạt rừng xanh hai bên đèo bắt đầu hiện ra dưới ánh mặt trời lấp lánh. Cảnh đẹp thời điểm này được các nhiếp ảnh gia gọi là vẻ đẹp long lanh, rạng ngời xuất hiện trong sương sớm.

 

Thanh Hải