Tân Trào - “Thủ đô Khu giải phóng”, “Trung tâm Thủ đô Kháng chiến”
Cập nhật: 04/02/2016
(TITC) - Tân Trào – Tuyên Quang từ lâu đã được biết đến là cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các bộ, ban, ngành Trung ương trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954).

Hội tụ đầy đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, từ tháng 5 đến tháng 8/1945, Tân Trào vinh dự được lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh chọn làm căn cứ địa để chuẩn bị lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tháng 6/1945, Khu giải phóng bao gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang được thành lập, Tân Trào (Tuyên Quang) được chọn là “Thủ đô lâm thời Khu giải phóng”. Khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), Tân Trào lại được chọn làm “Trung tâm thủ đô kháng chiến”, nơi đặt trụ sở làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương. Nơi đây ghi dấu những năm tháng Bác Hồ ở và làm việc cũng như những ân tình sâu nặng, son sắt của đồng bào các dân tộc tại Tân Trào đối với Bác.

Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 10 tháng 5 năm 2012, khu di tích lịch sử Tân Trào đã được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Tọa lạc trên địa bàn 11 xã thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) với tổng diện tích 531km2, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào bao gồm 183 di tích lớn, nhỏ, trong đó có 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.  

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đó là làng Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương), cách trung tâm thị trấn Sơn Dương 15km về phía nam. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa như cây đa Tân Trào – biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng. Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã làm lễ xuất quân, lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.

Từ cây đa Tân Trào, du khách tiếp tục đến thăm nhiều di tích đặc sắc khác thuộc làng Tân Lập, trong đó nổi bật là cụm di tích Nà Nưa nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía đông. Cụm di tích này bao gồm lán Nà Nưa, lán Cảnh vệ, lán Điện Đài, lán Đồng Minh và lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng.

Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rừng xanh mát, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến Cách mạng tháng Tám đã được Bác Hồ soạn thảo.

Quanh khu vực lán Nà Nưa có lán Cảnh vệ - nơi ở của các đồng chí cảnh vệ nhằm đảm bảo an toàn cho Bác và các cơ quan trung ương; lán Điện Đài - nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh (tại Côn Minh - Trung Quốc); lán Đồng Minh - nơi ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và Phái đoàn Đồng Minh và một căn lán nhỏ được dựng lên để phục vụ Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng diễn ra trong 03 ngày (từ 13 đến 15/8/1945).

Đến với làng Tân Lập, du khách không quên ghé thăm đình Tân Trào, nơi được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn để tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng; thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; nhất trí với quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cũng dưới mái đình này, sáng 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân.

Cách đình Tân Trào khoảng 3km về phía tây, đình Hồng Thái thuộc làng Cả, xã Tân Trào là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (ngày 21/5/1945). Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình được chọn làm nơi đón tiếp các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội. Trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến, đình Hồng Thái trở thành trụ sở của Ban bảo vệ an toàn khu, của bộ phận Tiếp tế an toàn khu, đồng thời là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự phục vụ kháng chiến. 

Từ đình Hồng Thái tiếp tục đi về phía nam khoảng 700m, du khách sẽ tới lán hang Bòng thuộc làng Bòng, xã Tân Trào. Đây là nơi làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 5/1951 đến cuối năm 1952. Căn lán nhỏ này đã chứng kiến những ngày tháng gian nan, vất vả và nghị lực phi thường của Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Từ đây, mọi mệnh lệnh, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch đã được phát đi trong toàn quốc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Được xem là “đại bản doanh của Chính phủ kháng chiến” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), di tích Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ thuộc thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương tọa lạc trong một không gian thiên nhiên hữu tình, trước mặt là sông, phía sau là núi, đảm bảo an toàn về công tác phòng không cũng như hoạt động bí mật của các chiến sĩ cộng sản. Ngày nay, đến với khu di tích, du khách sẽ có dịp tham quan các phòng, ban làm việc trước đây của Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ; tìm hiểu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trong thời gian ở và làm việc tại đây. Thông qua đó, du khách sẽ phần nào hiểu rõ hơn về nhân cách, lối sống, tâm hồn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Nằm trải dài trên khu rừng Nà Lơi thuộc thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, di tích An toàn khu (ATK) Kim Quan là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954. Cụm di tích này bao gồm các di tích lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hầm an toàn của Chính phủ, hầm an toàn của Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Tổ chức Trung ương.

Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), Tân Trào còn là nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương như: Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Nha Công an Trung ương, Nha Thông tin, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Nông vận Trung ương, Ban Sử-Địa-Văn, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,...

Ngoài ra, khu vực di tích hiện nay còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc địa phương, đồng thời cũng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quan trọng liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Trung tâm Thủ đô Kháng chiến”, Tân Trào đã đi vào lịch sử với những trang vàng chói lọi, trở thành niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung.

Bài: Phạm Phương; ảnh: Anh Dũng