Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016: Tôn vinh giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm
Cập nhật: 29/03/2016
Ngày 28/3, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 do UBND TP Hội An, Hiệp hội Tơ lụa Thế giới phối hợp với Hiệp hội Tơ lụa châu Á tổ chức đã chính thức diễn ra tại TP. Hội An, Quảng Nam.

Hơn 70 đại biểu đến từ chín quốc gia cùng tham gia Festival với cùng chung mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm ở Việt Nam (Vạn Phúc, Hội An, Duy Xuyên, Bảo Lộc, An Giang…) đã có từ lâu đời, động viên tinh thần các nhà sản xuất, nghệ nhân gìn giữ những giá trị truyền thống; đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường của ngành sản xuất tơ lụa với những đối tác quan trọng đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… và các nước châu Âu. Festival cũng nhằm mục đích giới thiệu Di sản văn hoá thế giới Hội An ra thế giới, kết nối mô hình dịch vụ “Thành phố may đo thời trang cho cả thế giới thông qua khách du lịch” với các tập đoàn sản xuất tơ tằm lớn trên thế giới.

Festival diễn ra đến ngày 29.3 với triển lãm tơ lụa quốc tế có sự tham gia của tám gian hàng đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Italia cùng đại diện các làng nghề lụa của Việt Nam như lụa Bảo Lộc, Hà Đông, đũi Thái Bình. Cùng với đó là bốn gian hàng của các nhà thiết kế Việt Nam – Pháp - Tây Ban Nha với những thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam với tinh thần mở đường cho tuổi trẻ tài năng.

Ấn Độ sẽ mang đến Festival sản phẩm lụa Bombay và lụa Kashmir xuất phát từ biên giới Ấn Độ - Pakistan chinh phục thị trường khách tiêu dùng cao. Lụa Hàng Châu, Tứ Xuyên của Trung Quốc được đánh giá cao vì mang tính ứng dụng cao vào đời sống hiện đại từ thiết kế mẫu đến khả năng giặt, sử dụng dễ dàng. Trong khi đó sản phẩm lụa của Myanmar có hoa văn rất đặc biệt và luôn dành riêng cho các cô dâu trong ngày cưới.

Hiện nay lụa Myanmar đang cố gắng đi vào cuộc sống hiện đại và đều do những nghệ nhân có kinh nghiệm sản xuất và phát triển thành những công ty lớn tại Myanmar. Ba tập đoàn sản xuất tơ lụa lớn nhất của Thái Lan tham dự đều là những tập đoàn có kinh nghiệm trong phục vụ du khách trải nghiệm văn hóa lụa ở Thái Lan như tập đoàn Thai silk với bảo tàng danh tiếng Jim Thomsone tại Bangkok. Tập đoàn Spun Silk World phát triển các nhãn hàng tại châu Âu với công nghệ sản xuất sạch. Đại diện của Italia tham gia triển lãm với sản phẩm lụa công nghiệp.

Các gian hàng của các làng nghề Việt Nam sẽ mang đến những sản phẩm lụa truyền thống trong một “diện mạo”, “tinh thần” hiện đại với những thiết kế phù hợp từ lụa Bảo Lộc, áo dài OZ cách tân của nghệ nhân Đỗ Quang Hùng trên chất liệu lụa Hà Đông; lụa Vạn Phúc hướng đến cho người tiêu dùng nội địa hoặc thương hiệu đũi tỉnh Thái Bình với dòng sản phẩm riêng biệt cho may áo dài hoặc vest cho nam rất đẹp. Bên cạnh đó, sẽ có phần trình diễn kỹ thuật truyền thống của nghệ nhân các làng nghề Cơ tu, Vạn Phúc, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận, Mã Châu- Duy Xuyên.

Bên cạnh triển lãm tơ lụa quốc tế, Festival sẽ còn có các hoạt động điểm nhấn như: Lễ phục dựng con đường Tơ lụa trên biển từ thương cảng Hội An sang Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây cách đây 300 năm. Con đường tơ lụa này đã cung cấp những loại tơ hảo hạng của Quảng Nam cho nước ngoài, tạo nên sự thịnh vượng của một vùng đất xứ Đàng Trong. Lễ dâng hương Bà Chúa Tằm Tang Đoàn Quý phi và biểu diễn múa nghệ thuật. Cùng với đó sẽ là một hội thảo quốc tế với chủ đề “Tơ lụa thế giới trong đời sống hiện đại” đề cập đến các vấn đề từ thực tiễn hoạt động sản xuất và kinh doanh với sự tham gia của đại diện 40 tập đoàn sản xuất tơ lụa đến từ chín quốc gia.

Báo Văn hóa