Khai hội Thành Bản Phủ và công bố 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại tỉnh Điện Biên
Cập nhật: 04/04/2016
Sáng 1/4, tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), đã diễn ra lễ khai hội Thành Bản Phủ năm 2016.

Dự lễ khai hội có đại diện Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên, đoàn đại biểu một số huyện thuộc các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên và đại diện các thế hệ hậu duệ của cụ Hoàng Công Chất cùng hàng ngàn du khách, người dân địa phương.

Trong 2 ngày diễn ra lễ hội, từ 1- 2/4 (tức ngày 24 - 25/2 âm lịch), du khách và người dân địa phương đều được tham gia nhiều hoạt động nghi lễ truyền thống như lễ rước kiệu, trống hội, chúc văn giỗ Hoàng Công Chất, lễ tế nhớ công ơn Hoàng Công Chất… Tại lễ hội còn có chương trình nghệ thuật với sự tham gia của 25 đoàn diễn viên nghệ thuật quần chúng đến từ 25 xã trên địa bàn huyện Điện Biên. Các tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc địa phương như Lễ cầu mưa của dân tộc Khơ Mú, hát văn 60 năm Điện Biên, múa khèn ô tập thể... Trong phần lễ hội, người dân và du khách còn có dịp tham gia nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, hái đào xuân… 

Trước đó, vào tối 31/3, cũng tại khu di tích Thành Bản Phủ, tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội đền Hoàng Công Chất và Nghệ thuật xòe Thái cổ Điện Biên. 

Lễ hội Thành Bản Phủ là lễ hội truyền thống độc đáo, được tổ chức hàng năm vào ngày 24/2 (âm lịch), thể hiện lòng biết ơn đối với anh hùng áo vải Hoàng Công Chất, người đã có công lao trong việc bảo vệ sự bình yên cho đồng bào các dân tộc tại Mường Thanh, Điện Biên. 

Khoảng năm 1740, giặc Phẻ từ phương Bắc tràn xuống, chiếm Mường Thanh, đóng quân ở thành Tam Vạn rồi kéo quân đi cướp phá đến tận Thuận Châu (Sơn La). Năm 1751, thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất kéo quân từ miền xuôi lên, kết nghĩa với tướng Lò Ngải, Lò Khanh là người địa phương, đánh tan giặc Phẻ vào năm 1754. Sau đó, năm 1758, nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Hoàng Công Chất đã xây dựng Thành Bản Phủ và hoàn thành vào năm 1762. Từ đó, Thành Bản Phủ vững chắc, kiên cố làm thủ phủ của nghĩa quân. Tại đây, lực lượng nghĩa quân, với sự đoàn kết của các thủ lĩnh, quân dân các tỉnh miền xuôi và miền núi, trong nhiều năm đã bảo vệ vững chắc một vùng biên cương của Tổ quốc. 

Thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào các năm 1981 và 1994. Ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Hoàng Công Chất và Nghệ thuật xòe Thái cổ Điện Biên. 

Lễ hội đền Hoàng Công Chất và Nghệ thuật xòe Thái cổ Điện Biên là hai di sản văn hóa đã tồn tại lâu đời, gắn liền với đời sống tâm linh, cũng như sinh hoạt đời thường và có sức lan tỏa sâu rộng trong lòng đông đảo nhân dân các dân tộc Điện Biên, đặc biệt là đồng bào Thái ở địa phương. Từ năm 1994 đến nay, Lễ hội đền Hoàng Công Chất – Thành Bản Phủ được tổ chức vào dịp ngày mất của thủ lĩnh Hoàng Công Chất, để tưởng nhớ công ơn người anh hùng áo vải cùng hai tướng Lò Ngải và Lò Khanh. 

Nghệ thuật xòe Thái cổ Điện Biên giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái trên địa bàn huyện Điện Biên. Thông qua vòng xòe, mối quan hệ làng bản, quan hệ giữa người với người gắn bó hơn, đoàn kết hơn. Xuất phát từ nhu cầu của người dân muốn được thư giãn, giải trí sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc, điệu xòe đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.

ĐCSVN