Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đến năm 2030
Cập nhật: 13/05/2016
(TITC) – Ngày 13/5/2016, Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia - đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Du lịch về Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đến năm 2030.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung và lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.

Đề án Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở xác định vị trí, vai trò và lợi thế của Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển của khu du lịch; từ đó xác định quan điểm phát triển du lịch, dự báo phát triển, đưa ra các giải pháp phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, tổ chức không gian hoạt động khu du lịch, định hướng phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; và đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Góp ý cho báo cáo quy hoạch, các đại biểu cho rằng quy hoạch tổng thể cần đảm bảo sự nhất quán, xuyên suốt từ quan điểm phát triển, định hướng sản phẩm và thị trường đến đầu tư; phải đưa ra quan điểm phát triển rõ ràng, trong đó đảm bảo các điều kiện phát triển du lịch gắn với bảo tồn; xác định sản phẩm khác biệt nổi trội và thị trường mục tiêu; khai thác, phát huy giá trị cốt lõi nổi bật toàn cầu là giá trị sinh thái và giá trị hang động; định hướng phát triển cơ sở hạ tầng phải gắn liền với phát triển sản phẩm và tổ chức không gian du lịch. Cần tính toán quy mô sức chứa bền vững của tổng thể khu du lịch và của từng phân khu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh quy hoạch phải làm nổi bật giá trị của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vốn được mệnh danh là “Vương quốc hang động” để phát triển thành khu du lịch có thương hiệu quốc gia và quốc tế. Quan điểm phát triển đảm bảo phù hợp với 5 quan điểm phát triển xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt chú trọng cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Xác định rõ sản phẩm du lịch chủ đạo và sản phẩm bổ trợ dựa trên những sản phẩm thế mạnh, nổi trội của địa phương như du lịch khám phá hang động, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa và sản phẩm gắn với di tích chiến tranh. Trên cơ sở đó, xác định thị trường mục tiêu có thể khai thác, trong đó tập trung vào thị trường Tây Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ… , các phân khúc nghỉ dưỡng sinh thái và khám phá mạo hiểm. Để đảm bảo phát triển bền vững, quy hoạch tổng thể cần chú trọng các nhóm giải pháp về quy hoạch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, bảo tồn và quản lý điểm đến.

Tin, ảnh: Hồng Nhung