Để du lịch tuyến đảo Vân Đồn phát huy tốt thế mạnh
Cập nhật: 27/05/2016
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh nhiều cảnh đẹp tự nhiên độc đáo mà hiếm nơi nào có được. Với trên 600 hòn đảo lớn nhỏ bao gồm cả đảo đất và đảo đá, trong đó 20 hòn đảo có người, hệ thống hang động kast đa dạng, những bãi biển trong xanh, bãi cát thoải ven đảo tạo nên các bãi tắm lý tưởng.

Cùng với đó là rất nhiều di tích lịch sử, văn hoá gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư.

Phát huy những lợi thế này, trong những năm qua, Vân Đồn đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vào phát triển du lịch không chỉ ở khu vực trên bờ mà tập trung ở các tuyến đảo như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng. Sự phát triển du lịch ở các tuyến đảo của Vân Đồn bước đầu đã mang lại những khởi sắc. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sự phát triển du lịch ở đây đang thiếu sự bền vững. Du lịch chủ yếu vẫn phụ thuộc vào mùa vụ, khai thác dựa vào tài nguyên sẵn có, sản phẩm dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu. Cơ sở dịch vụ lưu trú trên đảo, mặc dù số lượng phòng tăng theo từng năm nhưng tập trung phần lớn là những nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, chưa thu hút được những dự án lớn đầu tư xây dựng những khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Điều đáng nói, chất lượng nhân lực du lịch của các xã tuyến đảo là một rào cản rất lớn đối với sự phát triển cả trước mắt và lâu dài. Hiện nay đội ngũ lao động du lịch của Vân Đồn còn nhiều bất cập, thiếu và yếu. Việc thuê nhân công làm du lịch hết sức khó khăn. Để lý giải điều này, chủ một doanh nghiệp hoạt động du lịch trên đảo Quan Lạn chia sẻ: Vì hoạt động theo mùa vụ, mỗi năm du lịch ở đảo hoạt động chỉ vài tháng hè nên việc thuê nhân công làm du lịch không hề dễ cho các doanh nghiệp, mặc dù đơn vị trả lương cũng khá cao nhưng những người được đào tạo du lịch bài bản họ không chọn ra đảo để rồi làm việc mấy tháng xong lại nghỉ trở về đất liền. Vì thế, các cơ sở hoạt động du lịch ở đảo chủ yếu do bà con địa phương đảm nhiệm. Phần lớn trong số họ là những người chưa được đào tạo chuyên về du lịch. Thêm nữa việc thuê nhân công ở các xã đảo hết sức khó khăn, bởi bà con sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, chỉ cần vài tiếng đồng hồ ra biển, họ cũng có thể kiếm được vài trăm nghìn, có khi đến cả triệu đồng, thời gian thoải mái, công việc lại không bị gò bó nên bà con không mấy mặn mà với công việc phục vụ du lịch. Một số cơ sở kinh doanh du lịch tuyển nhân công, trả lương trung bình mức 4-5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không tuyển được người. Đội ngũ làm du lịch không chuyên nghiệp cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch trên đảo.

Trong một lần tham gia khảo sát và toạ đàm kết nối các tuyến, điểm du lịch Vân Đồn, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bãi biển đẹp, nước trong, cát mịn, du lịch tắm biển, sinh thái nghỉ dưỡng là loại hình du lịch phát triển chính của tuyến đảo này, trong đó điểm đến, dịch vụ lưu trú được du khách đặc biệt quan tâm. Là một khu du lịch mới phát triển, các tuyến đảo Vân Đồn không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn, hiện nay người dân đang tự phát triển dịch vụ của mình. Thời gian tới, Vân Đồn cần có một quy chuẩn chung để phát triển dịch vụ lưu trú cũng như quản lý quy hoạch phát triển du lịch một cách bền vững.

Bên cạnh những vấn đề tồn tại về nguồn nhân lực phục vụ du lịch, các sản phẩm du lịch trên tuyến đảo thời gian qua cũng hết sức nghèo nàn, lượng khách du lịch ra các tuyến đảo Vân Đồn thường đi về trong ngày, không lưu trú lâu tại đảo. Để cải thiện tình hình này, gần đây Vân Đồn cũng có những động thái tích cực trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, kết nối các tour tuyến nhằm đa dạng hoá sản phẩm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách đến Vân Đồn. Theo đó huyện Vân Đồn đã tích cực phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (cũ) cùng một số ngành chức năng tổ chức các chương trình khảo sát tài nguyên du lịch trên địa bàn toàn huyện để kiểm kê, đánh giá hệ thống di tích văn hoá lịch sử (đình, chùa), các hang động, bãi tắm và khu vực có hệ sinh thái rừng tại các xã Quan Lạn, Minh Châu...; khảo sát các tuyến điểm lưu trú trên Vịnh Bái Tử Long; tổ chức các cuộc hội thảo, các chương trình khảo sát cho các đơn vị làm du lịch, đưa các hãng lữ hành đến với tuyến đảo xây dựng các sản phẩm du lịch chào bán với du khách. Đặc biệt, gần đây nhất, vào cuối tháng 4 vừa qua, CLB du lịch cộng đồng Việt Nam - CTC, Chi hội du lịch Vân Đồn đã ra mắt sản phẩm du lịch làng hoa và rau sạch tại Sơn Hào, Quan Lạn. Đồng thời công bố điểm chụp ảnh cưới, tiệc galadinner tại bãi biển Cồn Khởi và dịch vụ cộng đồng tại Sơn Hào, Quan Lạn... Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ nhiệm CLB Du lịch cộng đồng Việt Nam - CTC, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Vân Đồn chia sẻ: Nhiều năm nay, khách du lịch đến Quan Lạn, Minh Châu chỉ tắm biển rồi về, tour du lịch như vậy rất nhàm chán. Việc đưa các sản phẩm dịch vụ mới vào khai thác sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Khách du lịch đến đây ngoài tắm biển, họ có thể đi đánh lưới, soi còng, soi mực, câu cá cùng bà con. Du khách cũng có thể tham gia trồng rau và trồng hoa trải nghiệm cuộc sống với bà con trên đảo. Việc đưa sản phẩm trồng hoa và rau sạch trên đảo không chỉ phục vụ du lịch, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho bà con còn hướng tới cung cấp một lượng rau sạch lớn trên đảo. Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng trăn trở: Thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt, mưa, gió thất thường nên việc phát triển sản phẩm du lịch làng hoa và rau sạch tại Sơn Hào, Quan Lạn bước đầu cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn, nhưng CLB cũng sẽ cố gắng chọn những giống hoa và loại rau thích hợp với thổ nhưỡng trên đảo để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút bà con và khách du lịch tham gia v.v..

Theo chương trình phát triển du lịch huyện Vân Đồn giai đoạn 2016-2020 với quan điểm mục tiêu phát triển du lịch một cách bền vững theo hướng hiện đại và trở thành điểm đến “hấp dẫn - sang trọng - mới lạ”, Vân Đồn phấn đấu đến năm 2020 đón trên 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 40%. Để làm được điều này, Vân Đồn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó việc đa dạng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến du lịch trên đảo là việc làm hết sức cần thiết.

Báo Quảng Ninh