Giữ nét đẹp truyền thống ở Hội đua bò chùa Rô
Cập nhật: 23/09/2016
Một mùa Sen Đôn Ta nữa lại về. Bà con Khmer Bảy Núi - An Giang lại háo hức vào mùa lễ hội. Về chùa Rô ngày trung tuần tháng 8 âm lịch, tôi đã được sống, đắm mình cùng bà con Khmer nơi đây đón một cái Tết Sen Đôn Ta đầy ý nghĩa với một mùa đua bò mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền.

Con đường nhỏ mang tên Ô Tà Bang dẫn về chùa Rô trở nên tấp nập. Từng đoàn xe biển số khắp mọi miền đổ về. Phum Sóc ở đất Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, An Giang bỗng rộn ràng khi chùa Rô vào hội đua bò. Giải đua bò truyền thống đồng bào dân tộc mang tính xã hội hóa cao được tổ chức tại An Giang.

Sân đua bò ở chùa Rô rộng hơn hai nghìn mét vuông, là những cánh ruộng được sư trụ trì cho cải tạo gần tháng qua với kinh phí hàng chục triệu đồng hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa do anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh đóng góp cùng nguồn do nhà chùa vận động. Sư Chau Soc Khonl trụ trì chùa Rô bảo: “Cải tạo sân đua có tốn kém tiền nhưng dẫu có thiếu chút đỉnh vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Mình tổ chức đua bò chủ yếu là để giữ lại nét văn hóa hàng trăm năm của bà con Khmer mình. Mấy năm rồi, vụ đua bò cứ có nhiều thông tin không tốt như mất bản sắc, như thương mại hóa... mình buồn lắm. Ngày xưa, đua bò xuất phát từ chuyện cấy ruộng, làm mùa lúa vần công, sau phát triển thành giải đua này nọ. Giờ sức mình tới đâu thì làm tới đó dẫu gì cũng góp phần bảo tồn cho thú chơi mang đậm bản sắc cổ truyền đồng bào Khmer quê mình”.

Cánh ruộng phẳng, đường đua thoáng được cải tạo đúng chuẩn để đua bò, thêm vào là hai bờ đê rất rộng, cao, an toàn để bà con có thể quan sát trọn vẹn các vòng đua đặc sắc. Tất cả khuôn viên phục vụ cho giải đấu đều không có hàng quán hay dịch vụ gửi xe chặt chém như những giải đua bò trước đây.

Nước uống đã có nước thốt nốt, nước suối, rượu thốt nốt lên men ngọt ngọt, nồng nồng và say say vô cùng đặc sắc do nhà chùa chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng cho tất thảy khán giả đến xem. Khó có thể tìm đâu ra một giải thi đấu thể thao truyền thống mà cả ban tổ chức, người tham gia lẫn khán giả hòa cùng là một, cùng vui, cùng chơi và cùng sống không khí lễ hội. Nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu, người đồng hành chính cùng sư cả Chau Sóc Khonle tổ chức giải đua tâm sự: “Mình phối hợp với sư thầy cũng được vài năm. Đua bò chùa Rô tuy nhỏ nhưng mình cố gắng thực hiện theo đúng với những quy tắc đua cổ truyền. Đây là sân chơi hoàn toàn cho bà con Khmer, do bà con Khmer cùng tổ chức, điều hành và thưởng lãm”.

Sau lễ cúng mừng ngày hội, ngày Tết Sen Đôn Ta ấm no, hạnh phúc và cầu mong lúa thóc vụ sau mùa màng tươi tốt, lễ hội bắt đầu. 37 đôi bò chiến của bà con Khmer trong vùng đã tụ hội. Không diễn văn khai mạc dài dòng, không giới thiệu đại biểu khách mời, không văn nghệ,... chỉ những lời huấn thị giản đơn cùng dàn nhạc ngũ âm Khmer đã mang lại một không khí lễ hội tưng bừng. Những chiếc cờ truyền thống nhiều màu được cắm tại điểm xuất phát, tăng tốc và về đích. Cả trọng tài lẫn người tài xế đều quấn chiếc khăn rằn truyền thống trên đầu là dấu hiệu phân biệt giữa người chơi và khán giả. Không băng rôn bảng hiệu, không nhà tài trợ áo mũ lòe loẹt, giải đua bò chùa Rô cứ thế diễn ra.

Những trận đấu kịch tính đã diễn ra. Các đôi chạy hăng say, tài xế chích mạnh những chiếc xà-lul sắc nhọn thúc bò phi thật nhanh về đích. Những chủ bò, tài xế mặt mũi lắm bùn, mệt nhoài thở dốc nhưng trên hết là niềm vui túc trực trên môi.

Giải đấu kết thúc, một nét đẹp khác mà chính lễ hội đã mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc là cảnh hàng chục em anh chia nhau từng chiếc bọc nhặt rác quanh chùa. Có lẽ hình ảnh của những vòng đua kịch tính, của những nụ cười hân hoan, của tình yêu, sự tâm huyết của anh em nhiếp ảnh dành cho ngày hội và nét đẹp trong ứng xử văn hóa với môi trường của các bạn trẻ sẽ mãi là những kỷ niệm không thể nào quên ở Ngày hội đua bò chùa Rô./.

Báo Nhân Dân