Hưng Yên: Phục dựng điệu múa bồng tại Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Cập nhật: 07/03/2017
Hàng năm, cứ vào ngày mùng mười tháng Hai âm lịch, người dân xã Dạ Trạch (Khoái Châu) lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, gắn với truyền thuyết về tình yêu giữa chàng trai nghèo họ Chử và con gái Vua Hùng thứ 18.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung 2016. Ảnh: Báo Giao thông

Đến với mùa lễ hội năm nay, du khách không chỉ chiêm bái các lễ nghi thành kính mà còn được thưởng thức nhiều trò chơi dân gian truyền thống, trong đó đặc biệt là điệu múa bồng do chính quyền và người dân địa phương phục dựng.

Theo lời kể của các bô lão trong làng Yên Vĩnh (xã Dạ Trạch), Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (hay còn gọi là lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch) được tổ chức ở hai ngôi đền là đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch) cùng huyện Khoái Châu. Mở màn lễ hội là các làng thuộc tổng Mễ tổ chức đội hình rước kiệu Thánh từ đình làng về đền Đa Hoà. Đi đầu đoàn rước là con rồng dài trên 20 mét được ba mươi thanh niên khoẻ mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng. Tiếp theo sau đội múa bồng, rồi đến là hai hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ sắc màu rực rỡ tay cầm cờ hội, chống chiêng, cùng ngựa hồng, ngựa bạch, gươm trường bát bửu, phường đồng văn, đội múa sinh tiền, đội múa nón, đội nhạc lễ. Tiếp đến là nghi thức rước nước từ sông Hồng về lễ Thánh. Đám rước uy nghi, rồng vàng dẫn đầu; hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sinh tiền, kiệu long đình, kiệu choé nước, kiệu đặt nón gậy, kiệu “Bế ngư thần quan”, ba kiệu rước Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Tây Sa công chúa đi sau. Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về đền Hoá (xã Dạ Trạch) lễ Thánh với ước nguyện cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu. Trong đoàn rước kiệu ngày trước không thể thiếu đội múa bồng.

Chẳng ai nhớ điệu múa bồng có từ bao giờ, chỉ biết có hội làng là có múa bồng. Người múa bồng phải là nam cải trang nữ, đầu đội khăn mỏ quạ, mặc quần sặc sỡ nhiều màu sắc, thắt lưng bằng các dải lụa ngũ sắc, trang điểm mặt hoa da phấn. Dàn nhạc múa bồng thường có trống, chiêng, thanh la. Múa bồng ở Dạ Trạch có nhiều động tác độc đáo như múa đi ngang đánh trống, múa đầu lắc lư say sưa, vừa đánh trống vừa quay ngang, tay mềm dẻo múa theo nhịp, bước chân đi ngắn, vòng tay vung nhỏ đánh trống, múa theo nhịp trống tiếng. Khi múa có lúc xoay tròn, có lúc dựa lưng hay úp mặt và ngực vào nhau, ánh mắt lúng liếng, đong đưa thú vị và hóm hỉnh. Múa bồng thể hiện sự lạc quan yêu đời, đoàn kết, gắn bó của người dân địa phương nói riêng và vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung.

Trải qua những xoay vần cuộc sống, điệu múa bồng dần bị mai một, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại đền Hóa (xã Dạ Trạch) không thấy có đội múa bồng nữa. Thực hiện chủ trương của tỉnh trong việc phục dựng lại các trò chơi dân gian truyền thống, mùa lễ hội năm 2017,  Ban Tổ chức Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Dạ Trạch đã quyết định khôi phục lại điệu múa cổ truyền của ông cha. Bà Nguyễn Thị Minh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch cho biết: “Được sự nhất trí của ngành Văn hóa và sự đồng thuận của người dân địa phương, năm nay, xã Dạ Trạch sẽ phục dựng lại điệu múa bồng trong Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Chúng tôi hy vọng, việc phục dựng lại điệu múa cổ truyền của ông cha sẽ là một trong những điểm nhấn để Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung thu hút nhiều khách du lịch hơn trong những năm tới”. Tuy nhiên, với nhiều năm vắng bóng thì việc phục dựng lại điệu múa bồng ở Dạ Trạch cần sự dày công, kiên trì của chính quyền địa phương và người dân. Cách đây khoảng nửa tháng, sau khi thu xếp xong việc gia đình, buổi tối, các bô lão cùng thanh niên trong xã lại tề tựu về khuôn viên của đền Hóa để tập từng động tác trong bài múa bồng. Ông Đoàn Văn Định, người từng có thâm niên gần 20 năm tham gia vào đội múa bồng cũng là người đang truyền dạy điệu múa cho thế hệ trẻ trong làng cho biết: “Múa bồng cần phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa trống lệnh và những người biểu diễn. Người tập cùng một lúc phải thực hiện nhiều động tác tay, chân, biểu hiện khuôn mặt, ánh mắt liếc như thế nào, điệu cười ra làm sao cho tình tứ… để vừa nổi bật, gây sự chú ý, vừa khiến người ta tò mò, phấn khích. Mặc dù khó, nhưng thanh niên trong làng rất nhiệt tình học hỏi, tập luyện”. Không chỉ có người tập mà người đến xem cũng rất háo hức, họ mong chờ đến ngày hội làng để được xem “đấng mày râu” hóa thân vào phận liễu yếu đào tơ qua điệu múa bồng. Các chàng trai trẻ ở Dạ Trạch cứ tập, cứ múa bằng tất cả thái độ nghiêm túc và cố gắng để góp phần tái hiện tinh hoa truyền thống của ông cha trong loại hình múa bồng độc đáo.

Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và sự dày công tập luyện của người dân địa phương, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung năm nay hứa hẹn sẽ đem lại nhiều tiếng cười sảng khoái cho du khách thập phương, để điệu múa bồng tại lễ hội sẽ trở thành “đặc sản” thu hút khách du lịch.

Vũ Huế

baohungyen.vn