Lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng kéo dài trong ba ngày
Cập nhật: 10/03/2017
Lễ hội truyền thống làng nghề gốm sứ Bát Tràng 2017 sẽ diễn ra từ ngày 11-13/3 (tức từ ngày 14-16/2 Âm lịch) tại đình làng Bát Tràng (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội).

Ông Hà Văn Lâm, đại diện ban tổ chức cho biết, chương trình bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ được tổ chức trang trọng với những nghi lễ truyền thống như: lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị từ miếu Bát Tràng ra đình Bát Tràng. Trong đó, lễ tế rước chính sẽ diễn ra vào sáng 12/3 (tức 15/2 Âm lịch).

Bên cạnh đó, phần hội kéo dài suốt ba ngày với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian; trong đó, tiêu biểu nhất là trò chơi cờ người và hát thờ.

Điểm mới của lễ hội năm nay là không gian “Chợ quê” với sự tham dự của 15 làng nghề truyền thống, như: lụa Vạn Phúc, dệt Phùng Xá, miến Cự Đà, rèn Đa Sỹ, khảm chai Chuôn Ngọ...

Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng được tổ chức nhằm tôn vinh nghề gốm truyền thống và thể hiện ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân địa phương.

Làng gốm Bát Tràng nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 10 km về phía Đông Nam. Đây là một trong những làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam.

Ông Hà Văn Lâm cho biết, theo “Đại Việt sử ký toàn thư,” tên Bát Tràng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1352. Tuy nhiên, các bậc cao niên tại Bát Tràng vẫn truyền nhau câu chuyện rằng, làng nghề được lập nên sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, nhằm mục đích sản xuất ra các sản phẩm phục vụ việc xây dựng thành quách, cung điện… Thế hệ tiền nhân lập nên làng Bát Tràng là cư dân vùng Ninh Trường (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay).

TTXVN