Tìm giải pháp phát triển du lịch Phúc Thọ - Hà Nội
Cập nhật: 07/04/2017
(TITC) – Ngày 06/4/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Công ty LongLink Việt Nam tổ chức Tọa đàm sản phẩm du lịch Phúc Thọ (Hà Nội) - Hợp tác giữa doanh nghiệp và điểm tham quan du lịch.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm có ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư huyện Phúc Thọ, lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng đại diện các doanh nghiệp du lịch và cơ quan truyền thông.

Nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 30km về phía Tây, huyện Phúc Thọ là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng với 92 di tích đã được Nhà nước xếp hạng trong đó có 47 di tích cấp quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh, thành phố và 1 di tích quốc gia đặc biệt là đền Hát Môn. Từ một vùng đất vốn được coi là vùng phân lũ, chậm lũ của thành phố Hà Nội, nhờ sự mạnh dạn, năng động trong chuyển đổi cây trồng, đến nay, Phúc Thọ đã hình thành những vùng chuyên canh chăn nuôi tập trung, năng suất nông nghiệp cao, mang lại thu nhập tốt cho người dân. Nhiều thương hiệu nông sản của Phúc Thọ đã ghi được dấu ấn trên thị trường như các loại rau sạch, hoa ly, nấm tai mèo, táo, phật thủ, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam… Đây là điều kiện thuận lợi để Phúc Thọ phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đóng góp ý kiến cho việc phát triển du lịch Phúc Thọ, các đại biểu đánh giá cao tiềm năng du lịch tại đây và cho biết, khách du lịch luôn mong muốn có những trải nghiệm đời thường nhất, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy việc phát triển du lịch cộng đồng cần được quy hoạch bài bản, có định hướng đúng đắn ngay từ đầu, cần giữ nguyên trạng kiến trúc nhà ở, những tập tục, thói quen sinh hoạt vốn có của người dân. Đồng thời cần nghiên cứu khôi phục những giá trị văn hóa đã đi vào sử sách để cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Bên cạnh đó, việc liên kết tour du lịch Phúc Thọ với các bảo tàng, khu di tích lịch sử tại trung tâm Hà Nội sẽ làm phong phú và hoàn chỉnh sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách.

Phúc Thọ có di tích đền Hát Môn đã được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di tích lịch sử tiêu biểu có thể phát huy để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh.

Đại diện công ty LongLink Việt Nam cho biết công ty đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, bất động sản với các dự án Saigon Pearl, LongSon MuiNe Restaurant & Team Building, Anthoi Phu Quoc Diving Resort… LongLink Việt Nam là một trong những công ty tiên phong đưa khách du lịch đến trải nghiệm miệt vườn, làng nghề ở Phúc Thọ với tour “Green Tour, Healthy Life”. Tour du lịch đưa khách đi tham quan rặng nhãn cổ trên 100 tuổi, vùng trồng rau sạch, phật thủ, bưởi Diễn… tại xã Hiệp Thuận; thăm khu nuôi trồng nấm sạch và sản xuất miến dong tại làng nghề truyền thống Dương Liễu; đến cụm dân cư nằm trong dự án triển khai mô hình homestay miệt vườn; xã Tam Hiệp – làng nổi tiếng với các sản phẩm may mặc; tham quan vùng chuối sạch xã Vân Nam, làng bưởi Vân Hà; thăm nhà cổ của người dân địa phương; đền Hát Môn nơi thờ Hai Bà Trưng…

Các đại biểu nhất trí rằng để thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa đến đây và giữ chân được du khách thì cần sự vào cuộc của người dân, chính quyền trong việc bảo tồn văn hóa, phát triển cơ sở hạ tầng… và sự chung tay của doanh nghiệp du lịch trong việc xúc tiến, giới thiệu sản phẩm du lịch Phúc Thọ tới khách du lịch.

Tin: Hương Lê; Ảnh: Truyền Phương