Du lịch Miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu
Cập nhật: 13/06/2017
Đó là chủ đề Diễn đàn Du lịch Miền Trung – Tây Nguyên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức sáng nay 10/6, tại TP. Tam Kỳ. Diễn đàn là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 – 2017.

Diễn đàn dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu. Tham gia diễn đàn có gần 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và 19 tỉnh thành miền Trung – Tây nguyên; các nhà đầu tư, kinh doanh, viện nghiên cứu, trường đại học…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu chủ trì Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên  ghi nhận những đóng góp tích cực của du lịch miền Trung – Tây Nguyên đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Đây là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong những năm gần đây, du lịch ở một số địa phương trong khu vực đã có sự chuyển mình đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch miền Trung – Tây Nguyên thực sự chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy, Diễn đàn lần này với mục tiêu tạo cơ hội thảo luận, đối thoại tìm ra các sáng kiến, giải pháp phát triển  du lịch miền Trung – Tây nguyên theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững, tạo được thương hiệu, đẳng cấp quốc tế, góp phần quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Quang cảnh Diễn đàn

Tại Diễn đàn,các tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Yêu cầu phát triển du lịch miến Trung – Tây nguyên trong thời kỳ mới; Những chính sách đột phá trong phát triển du lịch miền Trung – Tây nguyên; Quản lý điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, tạo dựng hình ảnh điểm đến chất lượng, an toàn, thân thiện; Vai trò động lực tạo đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch miên Trung – Tây nguyên. Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng trao đổi, thảo luận về hợp tác liên kết phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư.

PGS.TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Tiềm năng du lịch miền Trung – Tây nguyên còn lớn nhưng chưa tận dụng tốt, nhiều cơ sở cho sự phát triển bền vững, định hướng đẳng cấp cao đã và đang bị xói lở, hủy hoại (rừng, nước Tây Nguyên; bờ biển miền Trung; di sản văn hóa hư hại…). Thời gian qua, chúng ta thiếu định hướng chiến lược phát triển du lịch hướng tới “đẳng cấp” cao một cách rõ rệt. Duy trì mô thức phát triển du lịch định hướng “sản lượng khách” quá lâu, kéo theo nhiều hệ lụy phát triển khác. Chưa nhận thức đầy đủ thế mạnh của du lịch Việt Nam như một tổng thể liên kết thương hiệu để định vị Việt Nam như một địa chỉ du lịch khác biệt và đẳng cấp. Phát triển du lịch theo lối truyền thống “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh “gà nhà”, “ăn xổi” và “cùng xuống đáy”. Phân tán, manh mún, địa phương chủ nghĩa nên tranh chấp lợi ích, kiềm chế nhau ở tất cả các cấp độ… Kết cục là không thể nào tạo thương hiệu và biểu tượng du lịch quốc gia, thậm chí thương hiệu và biểu tượng du lịch Vùng.

Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu thừa nhận, sau 20 năm xây dựng và phát triển, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, tạo diện mạo mới cho nông thôn và đô thị. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhận thức của người dân và cộng đồng về vai trò và vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội chưa cao, nên thiếu sự đồng thuận và hợp tác trong việc thu hút, triển khai các dự án du lịch, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Chưa có cơ chế mạnh mẽ để doanh nghiệp, người dân tham gia cùng với nhà nước đầu tư vào các hoạt động du lịch và chia sẻ lợi ích từ du lịch. Chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế; việc xây dựng thương hiệu du lịch chưa được chú trọng…

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển đột phá ngành du lịch, trong đó xác định quan điểm phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các loại hình du lịch bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong xã hội; tạo cơ chế, chính sách mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào du lịch, xem đây là động lực cơ bản thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

disanquangnam.vn