Phát triển du lịch bền vững- Mục tiêu quan trọng của APEC
Cập nhật: 14/06/2017
Từ ngày 18-19/6/2017, tại Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội nghị “Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững” trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017. Dự kiến, có khoảng 200 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế khu vực APEC, doanh nghiệp du lịch và chuyên gia từ các tổ chức quốc tế liên quan.

Quảng Ninh hướng tới phát triển du lịch bền vững

Hoàn tất công tác tổ chức

Hội nghị “Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững” là sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng góp cho chính sách phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC với 3 nội dung chính: Phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh thế giới thay đổi; đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp APEC; tầm nhìn hợp tác phát triển du lịch bền vững trong APEC.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), hiện công tác chuẩn bị cho hội nghị đang được khẩn trương hoàn tất. Tỉnh Quảng Ninh, địa phương được lựa chọn tổ chức đã phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức và các Tiểu ban APEC hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, tuyên truyền tại địa phương, bảo đảm tốt nhất cho các hoạt động của hội nghị.

Liên quan đến các hoạt động bên lề, theo đại diện Tổng cục Du lịch, trước phiên họp chính sẽ diễn ra phiên họp trù bị vào ngày 18/6. Ban tổ chức cũng sắp xếp một bữa trưa làm việc vào ngày 19/6, nhằm tạo diễn đàn để khối tư nhân chia sẻ với các nhà lãnh đạo ngành du lịch khu vực APEC những ý kiến, kinh nghiệm tốt về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường… Trong khuôn khổ sự kiện, đoàn Việt Nam dự kiến sẽ có một số cuộc gặp gỡ song phương với các đối tác quốc tế để thúc đẩy hợp tác. Trong lịch trình, cũng sẽ có chương trình tham quan Vịnh Hạ Long phục vụ đại biểu tham dự hội nghị.

Thắt chặt hợp tác với các thành viên APEC

Các Bộ trưởng du lịch APEC đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch APEC cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt, thách thức do thiên nhiên mang lại. Khí hậu biến đổi, sạt lở đất, nước biển dâng là những nguyên nhân ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành. Du lịch cũng đóng góp 5% lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển và lưu trú. Các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch, kinh doanh lưu trú cũng gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước, cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên… vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC.

Theo đại diện Tổng cục Du lịch, những năm gần đây, hợp tác du lịch trong APEC luôn được quan tâm đặc biệt. APEC đang trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Trong đó, thuận lợi với du lịch Việt Nam là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2016 là năm đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt trên 18 tỷ USD. Đáng chú ý, khách du lịch từ các nước thành viên APEC đến Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu lượt, chiếm 81% tổng khách quốc tế đến Việt Nam.

Trên cơ sở thuận lợi đó, việc đẩy mạnh hợp tác du lịch với các nền kinh tế thành viên APEC sẽ có thêm nguồn lực phát triển cho du lịch Việt Nam; hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên APEC.

Hoa Quỳnh

Báo Công thương