Làng Hiệp Phước (Đồng Nai) – Điểm đến thú vị
Cập nhật: 03/07/2017
Hiệp Phước là một làng cổ có lịch sử hình thành lâu đời ở xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ngôi làng nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km, cách trung tâm Biên Hòa khoảng 50km.

Đến ngôi làng này, du khách có thể theo Quốc lộ 51 hướng về thành phố Vũng Tàu đến ngã 3 Phước Thiền rẽ phải khoảng 2km; cũng có thể xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, qua phà Cát Lái theo đường 25B khoảng 20km. Ngôi làng này có lịch sử hàng trăm năm gắn với quá trình hình thành vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Nơi đây hiện bảo tồn nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mang tính đặc trưng, tiêu biểu cho con người, vùng đất Đồng Nai; đồng thời cũng mang những đặc điểm chung của văn hóa Nam Bộ được các thế hệ người dân không ngừng tài bồi, gìn giữ. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên có giá trị cho việc gắn kết phát triển du lịch tạo bước đột phá trong kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Hiệp Phước được nhiều người biết đến bởi đây là một trong những ngôi làng cổ của vùng đất Nhơn Trạch; trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi làng này vẫn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng trên cả hai phương diện văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Đến ngôi làng này, du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm không gian văn hóa thuần Việt đậm chất Nam bộ với những bờ rào dâm bụt xanh mướt, những vườn cau trĩu quả, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi – nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, ngôi làng này còn hiện hữu rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo gắn liền với quá trình mở mang, khai khẩn lập làng của các thế hệ người Việt như: đình Mỹ Khoan, đình Hiệp Phước, đình Phước Lai, miếu Chòm Dầu, miếu Cầu Ngang, miếu Bà, miếu Ông, miếu Quan Thánh Đế quân, chùa Long Hoa, chùa Quang Mỹ, chùa Phước Hưng, chùa Phước Quang… Điểm đặc biệt của các di tích này là mang dấu ấn kiến trúc truyền thống, được cộng đồng gìn giữ, trao truyền liên tục các giá trị văn hóa. Việc phân bố di tích hài hòa trong không gian làng xã, mang chủ ý của người xưa đã tạo một điểm nhấn cho không gian văn hóa của ngôi làng.

Một trong những đặc điểm chắc chắn sẽ níu chân du khách trong và ngoài nước đó là sự hiện hữu các giá trị văn hóa phi vật thể được thấm đẫm trong mỗi con người, trong từng không gian văn hóa. Ở ngôi làng cổ này, các giá trị văn hóa truyền thống như: những phong tục tập quán, các tri thức dân gian, các bài dân ca, điệu hò cấy, các câu chuyện kể về danh nhân Đào Trí Phú, chuyện kể về khu mộ đen, giai thoại về ông bà Đốc Phủ… vẫn được người dân truyền tai nhau qua nhiều đời tạo nên dòng chảy văn hóa bất tận. Đặc biệt, đến ngôi làng Hiệp Phước, du khách còn được tham dự vào lễ hội cúng đình, miếu có từ hàng trăm năm của người Việt vẫn được tổ chức thường niên. Các nghi tiết truyền thống của lễ hội gắn với ngôi đình, miếu vẫn được người dân duy trì theo cổ lệ (từ nghi tiết thỉnh sắc thần, thỉnh sanh, túc yết, đàn cả, hồi sắc…). Phần hội có sự đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, sự hiện diện của Xây chầu Đại bội, Bóng rỗi - Địa nàng, múa lân sư rồng… tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt cho lễ hội. Điểm đáng ghi nhận ở đây là tâm thức người dân đến với lễ hội vẫn vẹn nguyên, đó là sự thành kính, ngưỡng vọng, tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, mở mang và duy trì xóm ấp. Ngoài ra, một trong những di sản văn hóa phi vật thể du khách không thể không biết tới đó là những nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời đã làm nên “thương hiệu nghề” cho Hiệp Phước như: nghề chế biến cau, nghề làm nem, nghề làm bún, bánh canh truyền thống. Chính sự trải nghiệm vào các công đoạn thực hành nghề chắc chắn sẽ làm cho chuyến hành trình về với di sản của du khách trở nên thú vị hơn. Một trong những lý do khác mà du khách cần phải đến ngôi làng này đó là sẽ được sống trong các ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, tham gia vào các sinh hoạt thường nhật với người dân (tự tay nấu các món ăn Nam bộ, múc những gáo nước từ nguồn nước Mạch Bà nấu trà thưởng thức, nếm thử các món đặc sản, trải nghiệm văn hóa làng quê...). Một góc cạnh khác cho những du khách say mê nghiên cứu văn hóa có thể thỏa thích tìm hiểu về kiến trúc của các ngôi đình, chùa; về trang trí mỹ thuật tại đình, miếu, ở các bức hoành phi, liễn đối chữ Hán; kiến trúc và mỹ thuật trong các ngôi nhà cổ; tìm hiểu về phong tục tập quán truyền thống để thấy được những nét biến đổi giữa truyền thống và hiện đại của ngôi làng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra rất mạnh tại địa phương. Cảnh đẹp của làng quê, sự hiếu khách của người dân, những nét văn hóa đặc sắc… sẽ tạo những ấn tượng không bao giờ phai nhạt trong cuộc đời mỗi du khách đã một lần ghé qua.

Sự đa dạng các giá trị di sản văn hóa của ngôi làng Hiệp Phước là một trong những điểm nhấn quan trọng về du lịch văn hóa mà địa phương hướng tới trong hành trình biến những “tài nguyên văn hóa” thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai thì Nhơn Trạch là một tuyến du lịch được xây dựng trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường tự nhiên mà ở đó làng Hiệp Phước đóng vai trò rất quan trọng. Tương lai gần, làng Hiệp Phước gắn kết với làng cổ Phú Hội, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ cho du lịch sẽ tạo sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.

ttxtdldongnai.vn