Nón làng Chuông, Hà Nội: Nét đẹp văn hóa Việt
Cập nhật: 11/07/2017
Nằm nép mình bên dòng sông Đáy, làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ nức tiếng với nghề làm nón suốt hơn 3 thế kỷ, mà còn sở hữu vẻ đẹp thanh bình với hình ảnh những chiếc nón lá chao nghiêng trong gió.

Tính bằng thế kỷ, chiếc nón làng Chuông không chỉ che nắng, che mưa mà còn làm duyên cho biết bao người phụ nữ Việt Nam. 

Vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 hàng tháng, từ sáng sớm tinh mơ, trong sân chùa Chuông, các mẹ, các chị nhộn nhịp ra chợ chào bán sản phẩm độc đáo của quê hương. 

 Chợ họp nhanh, ồn ào, náo nhiệt rồi nhanh chóng tan sau hơn 3 giờ đồng hồ. 

6 phiên một tháng, 72 phiên chợ một năm như để khẳng định, nón làng Chuông vẫn còn nhiều người mua, kẻ bán. 

Thăm làng Chuông, du khách nhất định phải ghé chợ, dạo quanh các gian hàng bán Nón, chụp ảnh và tận hưởng không khí phiên chợ quê

 Ngoài những nguyên liệu và nón kiểu mẫu truyền thống, bạn sẽ được khám phá, chiêm ngưỡng rất nhiều loại nón khác như: Quai thao, nón chóp dứa, nón tơi, nón Lâm Sung, nón Thái Lan, nón Hàn Quốc... 

Và bạn sẽ chẳng thể tìm thấy ở đâu trên đất nước Việt Nam này nhiều loại nón với đủ loại kiểu dáng, kích thước như nơi đây.

 Chợ nón tan họp, du khách có thể tản bộ quanh làng, tham quan và tìm hiểu cách làm nón cũng như cuộc sống của người dân.

Để có được một chiếc nón đẹp, nhẹ và bền, người nghệ nhân làng nón phải qua rất nhiều bước cầu kỳ. 

Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó, lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không rách. 

 Vòng nón làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. 

Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. 

Khâu xong tháo ra còn phải cắt hết riềm thừa. Sau đó phải hơ nón bằng hơi diêm để màu nón trở nên trắng muốt và không mốc.

Cuối cùng, những chiếc nón trắng được phơi dưới ánh nắng sớm trước khi xuất xưởng. 

Công thức ấy đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm đưa vào thơ ca: “Bàn tay xây lá, tay xuyên nón/ Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”.

Dừng chân nơi quán nước đầu làng, nhấp ngụm nước vối ấm, cái kẹo lạc giòn ngọt, thấy xốn xang với không khí vui vẻ, hồ hởi ở miền quê thanh bình này.

NSNA VĂN PHÚC

Kinhtedothi.vn