Giữ gìn bản sắc dân tộc trong làm du lịch cộng đồng
Cập nhật: 17/07/2017
Những năm gần đây, Hòa Bình được coi là điểm du lịch cuối tuần lý tưởng đối với nhiều du khách. Những cái tên: Bản Lác, Thung Nai… như những điểm sáng du lịch cộng đồng của Hòa Bình. Gần đây, người dân bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc cũng bắt đầu học làm du lịch cộng đồng và hướng đến sự phát triển bền vững.

Điểm đến trong vắt, nguyên sơ

Theo chỉ dẫn sơ bộ ban đầu, chúng tôi có thể đến bản Ngòi bằng đường bộ hoặc đường thủy để được khám phá lòng hồ Hòa Bình. Ngòi Hoa là xã vùng cao của huyện Tân Lạc, địa hình phức tạp với núi cao, nhiều đồi dốc và nằm ở ven sông Đà.

Sáng sớm, bến cảng Thung Nai đón chúng tôi bằng ánh nắng như dát vàng trên sóng nước mênh mông. Chiếc tàu du lịch rẽ sóng đưa chúng tôi tham quan “Hạ Long trên cạn”. Những hòn, mỏm với cỏ cây hoa lá đủ các hình thù sinh động, xanh mướt mắt hòa với màu của trời nước làm dịu hẳn cái ngột ngạt của phố xá đông đúc. Chưa đầy một giờ, chúng tôi đã đặt chân lên bản Ngòi trong tiếng cồng, chiêng và điệu cười còn thoáng ngại ngùng của những người dân hiền hòa nơi đây. Anh Trần Văn Vỹ, hướng dẫn viên Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình giới thiệu với chúng tôi, bản Ngòi có tên cổ là Bưa Dâm, nghĩa là nơi bằng phẳng trên núi, có nhiều bóng râm mát mẻ. Nơi đây chứa đựng nhiều điều hấp dẫn chưa được biết đến. Người dân sống thuần nông bằng nghề làm rẫy và đánh bắt thủy sản. Cách biệt với bên ngoài, bản Ngòi còn nguyên những nếp nhà của người Mường, những hồ nước trong veo, hàng chục núi đá vôi với hệ thống hang động, măng nhũ đá đa dạng. Đặc biệt, đây là nơi đã đào được trống đồng Ngọc Lũ năm 1992...

Người dân là chủ thể làm du lịch

Theo Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia lòng hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2016, bản Ngòi là một trong mười phân khu, điểm du lịch của tỉnh. Theo ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình thì bản Ngòi được kỳ vọng là điểm đến du lịch quan trọng của tỉnh. Du lịch bản Ngòi được tỉnh hướng tới xây dựng theo mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đến bản Ngòi, du khách có thể trải nghiệm việc đi bộ khám phá bản, thu hoạch ngô, đào củ mài, hái lá thuốc, quăng chài lưới, thưởng thức ẩm thực Mường... cùng bà con. Bản Ngòi nằm trong hành trình kết nối tuyến với các điểm du lịch hấp dẫn khác, đặc biệt qua tuyến giao thông trên lòng hồ thủy điện như: TP. Hòa Bình, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu… Bên cạnh phát triển du lịch, mối quan tâm số một của tỉnh là bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc làm nòng cốt cho du lịch Hòa Bình.

Từ năm 2014, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền và nhân dân địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình đã đầu tư, triển khai dự án đưa bản Ngòi trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng của người Mường. Đến nay, giai đoạn một của dự án đã hoàn thành với 7 nhà đạt chuẩn đón khách quốc tế. Những căn nhà này do người dân bản Ngòi trực tiếp làm chủ. Họ được hỗ trợ sửa nhà, cung cấp vật dụng cần thiết như: Chăn, ga, gối, đệm, màn… để hoàn thiện dịch vụ. Anh Bùi Văn Long, chủ một nhà nghỉ cộng đồng trong bản Ngòi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống bằng nghề làm nương rẫy, thu nhập không đủ ăn. Giờ đây, đã có những đoàn khách du lịch đến với bản làng, góp phần mang lại việc làm, thu nhập nên chúng tôi hy vọng cuộc sống của dân bản sẽ đỡ khó khăn hơn”. 

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình cho biết: "Khi mới đầu tư vào đây, công ty gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng du lịch của Hòa Bình nói chung, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa nói riêng còn hạn chế. Tại bản Ngòi, người dân đều là đồng bào Mường, sống cách biệt, chưa biết đến du lịch. Công ty phải vận động để họ thay đổi nhận thức, rồi đào tạo, bồi dưỡng cho bà con về những kỹ năng làm du lịch như: Cách dọn phòng, chế biến đồ ăn… Hiện tại, chúng tôi chưa muốn khách đến quá đông. Hồ Hòa Bình lại là nơi bảo tồn hệ sinh thái, nơi cung cấp năng lượng trọng yếu. Vì thế, việc khai thác, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước là điều chúng tôi rất chú trọng".

Chúng tôi cho rằng, đây là cách đầu tư khôn ngoan của tỉnh Hòa Bình cũng như phía doanh nghiệp. Cả cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và du khách đều được hưởng lợi, bởi nếu giữ được những nét đẹp đó, bản Ngòi mới là "viên ngọc quý". Nếu không, bản Ngòi sẽ trở thành một vùng đất bị xóa nhòa trong ký ức của du khách như nhiều điểm du lịch cộng đồng hiện nay.

Báo QĐND