Có một Lý Sơn ở đất liền
Cập nhật: 07/08/2017
Gành Yến (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được ví như một Lý Sơn thu nhỏ ở đất liền. Đến Gành Yến để ngắm nhìn những vỉa đá nham thạch hàng ngàn năm tuổi tự tình với sóng, những ruộng hành tỏi bậc thang, những bức bích họa 3D lấp lánh sắc màu...

Gành Yến vẫn còn giữ được nét hoang sơ được thiên nhiên ban tặng.

Một ngày mới bắt đầu ở Gành Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) trong tiếng sóng rì rào tự tình với đá. Biển ở Gành Yến không quyến rũ lữ khách bởi những bãi cát vàng. Gành Yến ru lòng người bởi những con sóng lúc ầm ào, lúc dịu êm ôm vào bờ đá.

Đá đen bóng, dài tít tắp, đá dựng cao như bức tường thành sừng sững "nghênh chiến" cùng sóng và gió.

Gành Yến quyến rũ bởi đá và sóng

Người dân địa phương ví Gành Yến như một Lý Sơn thu nhỏ bởi ở Gành Yến được tạo nên từ nham thạch núi lửa, có loại cát trắng đặc trưng để hình thành nên những ruộng bậc thang trồng hành tỏi. Ở đây, du khách còn bắt gặp những ngư dân từ đời này qua đời khác hòa mình vào lòng biển để mưu sinh.

Tựa mình vào bờ đá mát lạnh, hướng mắt về phía đường chân trời, đảo tiền tiêu Lý Sơn đã lọt vào tầm mắt. Gành Yến là nơi du khách có thể ngắm đảo Lý Sơn rõ ràng và sinh động nhất từ đất liền.

Từ Gành Yến có thể nhìn thấy đảo Lý Sơn sừng sững giữa biển khơi.

Người dân và du khách tha hồ vẫy vùng với biển đẹp hoang sơ ở Gành Yến

Trải nghiệm cuộc sống ngư dân và lặn ngắm san hô gần bờ với những chiếc thúng câu

San hô dưới đáy biển ở Gành Yến

Gành Yến, sở dĩ vùng đất này có tên như thế bởi vào mùa xuân từng đàn yến, én lại tìm về đầy làm tổ. Ngư dân Trần Định (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) giải thích như thế.

Ở Gành Yến còn có những rặng san hô gần bờ đầy màu sắc. San hô ở vùng nước cạn, vì thế du khách chỉ cần theo những chiếc thúng câu ra cách bờ khoảng 50 m là được hòa mình vào bức tranh đầy sắc màu của biển cả. Độ sâu của vùng biển này chưa đầy 3 m, vậy nên chỉ cần đeo kính lặn, úp mặt xuống mặt biển là bức tranh tuyệt đẹp của san hô hiện ra trước mắt.

Đến Gành Yến, du khách được chiêm ngưỡng 14 bức bích họa 3D sinh động.

Cũng theo ngư dân Trần Định, ngư dân địa phương luôn khai thác hải sản trên tinh thần "tôn trọng" biển cả. Cứ thế, biển Gành Yến như "vùng đất lành" để san hô và nhiều loại hải sản phát triển tạo sinh kế của hàng trăm hộ dân vùng biển Thanh Thủy.

Hà Xuyên - Nguyễn Tuyên

Dân trí